Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:28 GMT+7

Điển hình

Phát triển kinh tế tuần hoàn, biến chất thải thành tài nguyên

10/04/2020

Với lượng chất thải nhựa phát sinh ngày càng gia tăng như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng cần có biện pháp quản lý đồng bộ từ quá trình giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng… trong đó, việc xây dựng chính sách để biến chất thải thành tài nguyên là rất cần thiết.    
Đánh giá về tình hình rác thải nhựa hiện nay tại Thành phố, bà Nguyễn Thị Hưởng - Trưởng phòng Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết tại Việt Nam, ước tính mỗi người dân tiêu thụ sử dụng khoảng từ 30 đến 40kg nhựa/năm và là 1 trong 4 quốc gia tại châu Á phát sinh chất thải nhựa nhiều nhất.

Người dân dần quen với việc sử dụng túi nilon dễ phân hủy. (Ảnh: N. Hoa)
Riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày. Số lượng bao bì nhựa và túi nilon sử dụng ngày càng gia tăng ở Việt Nam dẫn đến lượng thải bỏ tăng dần theo từng năm. Tỷ lệ chất thải bao bì, túi nilon không được tái sử dụng, phải chôn lấp chiếm khoảng từ 5 - 8% tương đương với khoảng 2,5 triệu tấn/năm.
Chia sẻ về công tác thu gom rác thải được Thành phố triển khai trong thời gian qua, đại diện Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) – doanh nghiệp chủ chốt chịu trách nhiệm thu gom rác trên địa bàn cho hay hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội phát sinh khoảng 7.500 tấn rác sinh hoạt trong ngày. Công ty được giao quản lý, xử lý rác tại bãi Xuân Sơn và Nam Sơn. Qua các số liệu, khối lượng rác đổ về bãi ngày càng tăng.
Từ năm 2000 tới nay, Công ty nhận thấy tỷ lệ nhựa trong rác thải sinh hoạt tăng, từ dưới 10% lên 16,5%/năm. Bên cạnh đó, còn có sự đa dạng về các chủng loại.
Mỗi ngày có khoảng 350 người dân nhặt rác trên bãi rác Nam Sơn. Đây là hoạt động tự phát, có thời điểm cao điểm xấp xỉ 800 người. Những người này họ phân loại và tái chế hoàn toàn do thị trường yêu cầu, như chai lọ, nhựa sinh hoạt…
Trước thực trạng trên, Công ty đã quản lý bằng cách đặt ra các quy định, như quy định giờ vào bãi (3 - 6 giờ sáng); hỗ trợ trang thiết bị bảo hộ cho họ (ủng, găng tay...), nhằm hạn chế những rủi ro trong quá trình họ ở trên bãi. Công ty hy vọng sẽ có giải pháp để chấm dứt triệt để tình trạng người dân nhặt rác trên bãi.
Hiện Công ty đã đầu tư 2 dây chuyền để tái chế, công suất 30 tấn/ngày, dự kiến sẽ sớm đưa vào hoạt động trong thời gian tới. Ngoài ra, Công ty đã hợp tác với tập đoàn của Nhật Bản để tái chế rác thành viên chất đốt, đưa ra tiêu thị trên thị trường.
Bàn về các giải pháp để kiểm soát chất thải nhựa cũng như hạn chế túi nilon, GS.TS Đặng Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho rằng để đối phó với vấn nạn rác thải nhựa, nhiều quốc gia trên thế giới đã mạnh tay ban hành nhiều luật cấm để hạn chế, rồi tiến tới không còn rác thải nhựa.
Hiện nay, túi nilon dùng một lần hiện đã bị cấm sử dụng tại 91 quốc gia trên thế giới, trong đó có 55 quốc gia cấm trên phạm vi cả nước. Từ năm 2019, Hàn Quốc đã chính thức cấm sử dụng túi nilon trong siêu thị và các chuỗi cửa hàng bán lẻ. Những cơ sở vi phạm có thể bị phạt đến 3 triệu won (62,8 triệu đồng).
“Về giải pháp, tôi thấy chúng ta không thể đánh đổi kinh tế với chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng. Các giải pháp đã được các diễn giả trình bày về chính sách, giáo dục nhưng tôi muốn đề cập thiên về giải pháp mang tính tổng hợp kỹ thuật. Ví dụ như giải pháp 3R, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng, và 5R như từ không dùng, đến giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và cuối cùng và hủy bỏ có kỹ thuật và an toàn”, GS.TS Đặng Kim Chi nhấn mạnh.
Theo GS. TS Đặng Kim Chi, những giải pháp kỹ thuật công nghệ này là không khó và hoàn toàn có thể áp dụng được. Chúng ta cần tập trung đầu tư công nghệ sản xuất nguyên liệu để đưa ra sản phẩm thay thế nhựa bằng sản phẩm thân thiện môi trường, hoặc khắc phục nhược điểm khó phân hủy của nhựa.
Do đó, Việt Nam cần đầu tư vào các biện pháp, coi rác thải nhựa như nguyên liệu mới, như nguồn nhiệt cấp năng lượng cho nhà máy phát nhiệt, xi măng, và giảm tiêu thụ nguyên liệu thông thường, đẩy mạnh phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
N. Hoa