Công ty Nhiệt điện Hải Phòng (Nhiệt điện Hải Phòng) tuân thủ nghiêm túc các quy định trong bảo vệ môi trường, các chỉ số liên quan đều nằm trong giới hạn cho phép.
Thời gian qua, nhiều ý kiến lo ngại về ô nhiễm môi trường khi Việt Nam triển khai nhiệt điện than thậm chí, một số nơi có xu hướng “quay lưng” loại nguồn phát điện này. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, để đảm bảo nhu cầu cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt nhiều năm tới, nhiệt điện than vẫn là thành phần quan trọng trong cơ cấu nguồn điện khi các nguồn thủy điện, dầu, khí, mặt trời… chưa đủ lấp đầy sản lượng thiếu hụt.
Luôn phải thực hiện chương trình giám sát đặc biệt liên quan đến môi trường
Theo Quy hoạch phát triển điện lưới Quốc gia năm 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), dự báo tốc độ tăng trưởng sản lượng điện vẫn ở mức trên 10%/năm, gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP cả nước.
Do tác động biến đổi khí hậu nhiều nhà máy thủy điện nước về ít, để bảo đảm nguồn điện Tổng Công ty Phát điện 2 (EVNGENCO 2), phải huy động mạnh nguồn điện từ nhiệt điện than. Cùng với đó công tác quản lý chặt chẽ với những giải pháp kịp thời có tính khả thi luôn được đơn vị nghiêm túc thực hiện nhằm tránh các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Thời gian gần đây, nhiều Nhà máy thủy điên thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung điện năng Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1&2 (Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng, thuộc EVNGENCO 2) tại xã Tam Hưng, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng có công suất 4x300MW, tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỷ USD (tương ứng khoảng 24.000 tỷ đồng). Mỗi năm Nhà máy sản xuất ra 7,2 tỉ KWh điện, cung cấp một sản lượng điện lớn cho lưới điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện cấp bách cho hệ thống điện và cung cấp ổn định cho khu vực tam giác kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.
Chu trình sản xuất điện của Nhà máy bao gồm 2 thiết bị chính là lò hơi và tuabin, máy phát với hệ thống truyền tải điện bao gồm 2 sân phân phối 220kV và 110 kV.
Thực tế, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo EVN, các nhà máy điện nói chung Nhiệt điện Hải Phòng nói riêng đều phải thực hiện một chương trình giám sát đặc biệt, nhất là các chỉ số liên quan đến môi trường như bụi, khói thải là SOx và NOx. Chương trình này yêu cầu phải tuân thủ đầy đủ cam kết về quan trắc và giám sát môi trường đã được phê duyệt trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ở quy định này, các nhà máy nhiệt điện than phải chịu trách nhiệm đối với nguồn phát sinh chất thải của mình, chủ động tìm kiếm các giải pháp để xử lý và tiêu thụ.
Hiện nay, các nhà máy nhiệt điện than của EVN đang sử dụng công nghệ hiện đại không thua kém các nhà máy trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng tốt các yêu cầu về môi trường. Tại Nhiệt điện Hải Phòng, các trạm quan trắc môi trường tự động được lắp thêm, hệ thống camera được bổ sung, nhất là các vị trí nhạy cảm như bãi xỉ. Tất cả các chỉ số quan trắc sau đó được truyền trực tiếp về hệ thống của các Sở Tài nguyên - Môi trường địa phương cũng như EVNGENCO 2.
Đã đầu tư đồng bộ các hệ thống xử lý hiện đại
Theo đại diện Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp luôn thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Các nội dung theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), các giấy phép đã được Bộ TN&MT phê duyệt và đáp ứng các yêu cầu. Nhà máy đã được đầu tư trang bị đồng bộ các hệ thống: Xử lý khí thải hiện đại (Hệ thống khử NOx (SCR); Hệ thống khử SOx (FGD); Hệ thống lọc bụi tĩnh điện ESP) đảm bảo không có khói đen trong quá trình khởi động; Hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục (hệ thống CEMs) các thông số lưu lượng khói thải, nồng độ bụi, NOx, SOx, CO, nhiệt độ, O2 và hệ thống Camera giám sát ống khói Nhà máy, bãi chứa tro xỉ.
Kết quả theo dõi, đánh giá các thông số quan trắc môi trường, đo hàm lượng các chất khí trong khói thải của Nhà máy trong tháng 9/2019 và nửa đầu tháng 10/2019 đến nay cho thấy hàm lượng SOx, NOx, bụi… luôn nằm trong giới hạn cho phép theo các quy chuẩn môi trường hiện hành.
Màn hình theo dõi thông số quan trắc khí thải online ngày 18/10/2019 của Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng cho thấy hàm lượng, nồng độ các chất thải đều nằm ở giới hạn cho phép. Cụ thể, tại thời điểm 11h18 ngày 18/10/2019, khi cả hai tổ máy đang vận hành, nồng độ SOx ghi nhận là 306mg/Nm3 (giới hạn cho phép là 340 mg/Nm3) và thường dao động ở giá trị dưới 330 mg/Nm3. Đối với hàm lượng NOx ghi nhận là 629 mg/Nm3 và đạt cao nhất là 659mg/Nm3 (giới hạn cho phép là 680 mg/Nm3). Hàm lượng bụi trong khói thải là 85 mg/Nm3 và dao động quanh nồng độ khoảng 90 mg/Nm3(giới hạn cho phép là 136 mg/Nm3). Căn cứ trên báo cáo số liệu quan trắc khí thải tự động của Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, tất cả các số liệu quan trắc khí thải tự động của Nhà máy đều đạt QCVN 22:2009/BTN-MT về khí thải công nghiệp Nhiệt điện (Kp=0,85;Kv=0,8).
Theo Tạp chí Công Thương