Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 25/11/2024 | 10:18 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng xanh ở Việt Nam (Bài 3)

03/07/2019

Trong xu thế phát triển bền vững năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tỉnh Tây Ninh đã phát huy lợi thế đặc thù của địa phương, đẩy mạnh phát triển năng lượng điện mặt trời, thu hút nhiều dự án quy mô của các tập đoàn lớn; đồng thời, vận động hàng nghìn hộ dân tham lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái qui mô nhỏ, vừa cung cấp điện sinh hoạt, vừa bán điện, có thêm nguồn thu…
Bài 3: Điểm sáng điện mặt trời Tây Ninh
Nằm trên địa bàn Đông Nam Bộ, tỉnh Tây Ninh có lợi thế là địa bàn ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ do thời tiết, cũng là địa phương số giờ nắng kéo dài với số giờ nắng trung bình lên tới từ 2.220-2.500 giờ, đảm bảo công suất của hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái đạt trên 90% công suất lắp đặt, góp phần kéo giảm thời gian đáng kể khấu hao của thiết bị, cũng như tăng tính hiệu quả dự án. Phát huy lợi thế đó, trong bối cảnh giá điện tăng, chi phí hàng tháng của hộ gia đình tăng thêm, cùng với nhiều giải pháp tiết kiệm điện, nhiều hộ gia đình ở Tây Ninh đã chọn phương án lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà để giảm chi phí tiền điện mỗi tháng.
Ông Nguyễn Văn Tốt ở khu phố 5 (phường 1, TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt 42 tấm pin năng lượng mặt trời áp trên mái nhà, không chỉ đảm bảo cung cấp đủ điện sinh hoạt cho gia đình với mức 2,5 triệu tiền điện/tháng trước đây, mà còn bán lại lượng điện năng kết dư với số tiền khoảng 1,8 triệu đồng/tháng. Ảnh: Đức Hoảnh
Nhà nhà lắp điện mặt trời áp mái
Sau hơn 6 tháng lắp đặt hệ thống gồm 9 tấm pin điện mặt trời áp mái nhà với công suất 3 kWp, chi phí lắp đặt gần 70 triệu đồng, gia đình anh Nguyễn Đăng Trường Giang, ở khu phố 4 (thị trấn Hòa Thành, huyện Hòa Thành, Tây Ninh) có thể tiết kiệm trên 400 nghìn đồng tiền điện mỗi tháng, tương đương khoảng 200 kWp, góp phần giảm chi tiêu tiền điện cố định hằng tháng của gia đình.  
“Chỉ cần từ 7 đến 10 năm là đã khấu hao được sản phẩm. Tùy theo vị trí, nếu nhà có hướng nắng tốt có thể 5 năm là khấu hao hết chi phí đầu tư nhưng sản phẩm thì được bảo hành đến 20 năm. Tính ra, mình được lợi rất nhiều khoảng thời gian sau khấu hao", anh Nguyễn Đăng Trường Giang chia sẻ.
Bà Lê Thị Phấn, quản lý Dưỡng lão đường Quy Thiện cho biết: Do là đơn vị từ thiện nên kinh phí hoạt động chủ yếu nhờ các nhà hảo tâm quyên góp, để hạn chế chi phí tiền điện, trại dưỡng lão phải hạn chế tối đa các thiết bị sử dụng điện, kể cả quạt gió. Tuy nhiên, "Từ ngày lắp được hệ thống điện mặt trời này, các bà lão ở đây rất mừng vì xài điện được thoải mái hơn nhiều, nhất là trời nắng nóng có quạt gió sẽ dễ chịu hơn”, bà Phấn cho biết.
Hệ thống điện mặt trời áp mái tại khu vực nhà để xe của Trung tâm thương mại Thành Thành Công Tây Ninh. Ảnh: Đức Hoảnh
Theo ông Trần Huy Hào, Giám đốc Điều hành Trung tâm thương mại Thành Thành Công Tây Ninh, đơn vị này đã chi 7 tỷ đồng để đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái tại khu vực nhà để xe và phần mái của tòa nhà; trung bình mỗi tháng Trung tâm có thể tiết kiệm được trên 115 triệu đồng, quy ra sau khoảng 5 năm sẽ hòa được vốn đầu tư.
Ông Hoàng Xuân Tuyên, Phó phòng Kiểm tra giám sát mua bán điện (Công ty Điện lực tỉnh Tây Ninh) cho biết, hiện đã có hơn 100 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất gần 700 kWp. Đó là chưa kể số khách hàng chưa đấu nối vào mạng lưới điện quốc gia.
Theo ông Tuyên, số hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời áp mái trên địa bàn tỉnh đã liên tục tăng lên hàng ngày. Trong năm 2019, tỉnh sẽ vận động khoảng 1.000 khách hàng lắp đặt thêm hệ thống điện mặt trời áp mái để nâng tổng công suất điện theo mô hình này lên 5.000 kWp; đồng thời, tiến hành song song lắp đặt hệ thống công tơ hạ áp 2 chiều để bán phần điện kết dư, hòa vào điện lưới quốc gia.
Ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Công ty Điện lực Tây Ninh cho biết, mô hình điện mặt trời áp mái hiện có rất nhiều người dân đầu tư và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, các hộ gia đình đã giảm được chi phí tiền điện, đặc biệt những hộ gia đình sử dụng điện từ mức 200 Kwh trở lên với giá điện bậc thang cao (khoảng 2.300 đồng trở lên) khi lắp điện năng lượng mặt trời thì đã giảm bớt khung giá (do điện gia đình phát được), từ đó tiền điện giảm xuống đáng kể.

Sau một năm sử dụng có hiệu quả, gia đình anh Lưu Xuân Minh ở ấp Tân Hòa (xã Tân Bình, TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) quyết định nâng cấp hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà từ 3,3 KWp lên 6,6 KWp để có kết dư, bán lại cho ngành điện. Ảnh: Đức Hoảnh
Nhiều dự án điện mặt trời qui mô 
Với hiệu quả có thể tính toán một cách khá đơn giản, nguồn năng lượng từ bức xạ điện mặt trời ở Tây Ninh không chỉ nhận được sự quan tâm của người dân, mà còn thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào cuộc. Mới đây, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) và Tập đoàn năng lượng Gulf (Thái Lan) vừa khánh thành hai nhà máy điện năng lượng mặt trời TTC số 1 và TTC số 2 tại khu công nghiệp Thành Thành Công ở ấp An Hội (xã An Hòa, Trảng Bàng, Tây Ninh).
Hai nhà máy điện năng lượng mặt trời trên được xây dựng liền kề nhau trên tổng diện tích 120 ha; trong đó, diện tích để lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời là 81,75 ha với tổng số lượng là 360.000 tấm, tổng nguồn vốn đầu tư của 2 dự án khoảng 2.700 tỷ đồng, do Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) và Tập đoàn Gulf (Thái Lan) liên doanh góp vốn thực hiện. Hai nhà máy có công suất 118,8 MWp, mỗi năm cung cấp cho hệ thống điện lưới quốc gia với sản lượng điện khoảng 184 triệu kWh/năm, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tương đương khoảng 150.000 hộ dân.
Bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC cho biết, tiếp nối 5 nhà máy điện mặt trời do các đơn vị thành viên của Tập đoàn TTC xây dựng và vận hành thành công tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Bình Thuận, Long An và Đắk Nông, hai nhà máy điện mặt trời TTC số 1 và TTC số 2 tại Tây Ninh được đưa vào vận hành đã khẳng định cho sự hợp tác đầy tiềm năng giữa Tập đoàn TTC và Tập đoàn Gulf, tập đoàn có bề dày kinh nghiệm về lĩnh vực năng lượng của Thái Lan.
Theo bà Huỳnh Bích Ngọc, Tây Ninh là tỉnh đầu tư chiến lược của Tập đoàn TTC; trong đó, có nhiều công trình mang lại kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển của địa phương trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục, thương mại, bất động sản công nghiệp, năng lượng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, Tây Ninh là một trong những tỉnh có tiềm năng để phát triển năng lượng mặt trời với số giờ nắng nóng nhiều và lượng bức xạ mặt trời nằm ở mức rất cao- hơn 20% so với các địa phương khác. Chính vì vậy, Tây Ninh được các nhà đầu tư quan tâm đến phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
Tính đến thời điểm này, tỉnh Tây Ninh đã cấp giấy phép đầu tư cho 10 dự án sản xuất điện năng lượng mặt trời với tổng công suất dự kiến đạt khoảng 808 MWp, vốn đầu tư trên 21.000 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã có 9 dự án đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành việc xây dựng, một số dự án đã đưa vào khai thác thương mại.
Hai nhà máy điện năng lượng mặt trời TTC số 1 và TTC số 2 tại khu công nghiệp Thành Thành Công (ấp An Hội, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) vừa được khánh thành với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 2.700 tỷ đồng, do Tập đoàn Gulf (Thái Lan) và Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) liên doanh thực hiện. Trong ảnh: Trạm biến áp của Nhà máy điện năng lượng mặt trời TTC số 2. Ảnh: TTC
"Với số lượng và quy mô của các dự án điện mặt trời được đầu tư kể trên, Tây Ninh hiện nay được xem là tỉnh dẫn đầu cả nước về các dự án năng lượng tái tạo. Có được kết quả kể trên, không chỉ có sự quyết tâm rất lớn chính quyền Tây Ninh, mà có sự đồng hành của các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược; trong đó có Tập đoàn TTC ", ông Nguyễn Thanh Ngọc chia sẻ.
Theo Thông tấn xã Việt Nam