Quy hoạch phát triển ngành Dệt May tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định DM là một trong những ngành công nghiệp XK chủ lực, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và có vị trí xứng đáng trong chiến lược phát triển KT - XH của tỉnh. Để phát triển Ngành theo hướng bền vững, các doanh nghiệp trên địa bàn cần phải tập trung đầu tư và ứng dụng công nghệ mới để thay thế các thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, từ đó sẽ giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả SXKD.
Tính đến tháng 3/2018, toàn tỉnh Thái Bình có 315 doanh nghiệp Dệt, May. Trong đó, đa số các doanh nghiệp trong Ngành đều có quy mô vừa và nhỏ, chỉ có một số ít doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn với những dây chuyền sản xuất hiện đại như Công ty TNHH May Hưng Hà, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Cường, Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long, Công ty Cổ phần Damsan… Sự phát triển của ngành công nghiệp Dệt May Thái Bình đã tạo việc làm cho hơn 77.558 lao động, chiếm 45,7% số lao động toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Không những thế, Dệt May còn đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ngày càng cao và giữ được tỷ lệ tăng trưởng ổn định . Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Ngành đạt 1,172 tỷ USD, chiếm 83,2% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn của ngành Dệt May tỉnh Thái Bình hiện nay là nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ vẫn sử dụng những thiết bị công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều điện năng…, dẫn đến chi phí sản xuất cao, lợi nhuận thu về cho doanh nghiệp không cao. Trước thực tế đó, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thái Bình đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền và tư vấn cho các doanh nghiệp Dệt May trên địa bàn tỉnh về việc ứng dụng công nghệ hiện đại cũng như nâng cao nhận thức cho người lao động về sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm và hiệu quả hơn. Theo đó, Trung tâm đã đưa ra nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành Dệt May như: Tận dụng ánh sáng tự nhiên và sử dụng những bóng đèn tiết kiệm điện năng có hiệu suất chiếu sáng cao như bóng đèn led, bóng đèn compact, bóng đèn huỳnh quang T5 hoặc T8; Thay thế máy may cơ bằng máy may điện tử với công suất phù hợp; Sử dụng motor có công suất phù hợp cho từng thiết bị trên dây chuyền sản xuất; Sử dụng hệ thống thông gió để làm mát máy móc và tạo không khí để tiết kiệm năng lượng, giảm tiếng ồn…
Hưởng ứng chương trình tiết kiệm năng lượng của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thái Bình, bà Phạm Thị Tiền - Giám đốc Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Ngọc Hiến (xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà) cho biết: Là một doanh nghiệp mới thành lập, được sự tư vấn, hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công, Đơn vị chúng tôi đã có sự đầu tư đồng bộ hệ thống dây chuyền may, hệ thống chiếu sáng, hệ thống chống nóng bằng tôn cách nhiệt hiện đại. Điều này đã góp phần giúp Công ty thực hiện việc tiết kiệm năng lượng khá hiệu quả, đặc biệt là việc giảm lượng tiêu thụ điện năng. Hiện công ty có 4 dây chuyền và gần 100 máy may các loại, với năng lực sản xuất ược đạt hàng trăm nghìn sản phẩm may các loại/năm. Chính điều kiện cơ sở sản xuất này đã giúp chúng tôi nâng cao khả năng cạnh tranh, vị thế của doanh nghiệp…”.
Ông Hà Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Bình chia sẻ: “Đặc thù của các doanh nghiệp Dệt May trên địa bàn là được xây dựng chủ yếu tại vùng nông thôn nhằm phát huy lợi thế về nguồn lao động. Tại nhiều doanh nghiệp nhỏ, người lao động vẫn chưa nhận thức rõ việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, còn tùy tiện trong sản xuất và sinh hoạt, khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong việc triển khai áp dụng quy trình tiết kiệm năng lượng. Được sự hỗ trợ của tỉnh, các ngành liên quan, Trung tâm đã tổ chức nhiều buổi tư vấn và tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành Dệt May và đề nghị các doanh nghiệp cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, đào tạo về quản lý năng lượng, đồng thời đầu tư máy móc, thiết bị đồng bộ, tổ chức phổ biến quy trình tiết kiệm năng lượng tới cán bộ, người lao động. Đến nay, người lao động đang ngày một nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng trong quá trình làm việc, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Không những thế, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm còn mang lại hiệu quả về kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp người quản lý và lao động hình thành thói quen, tác phong công nghiệp”...
Tiết kiệm năng lượng đã và đang thực sự đem lại hiệu quả lâu dài cho các doanh nghiệp Dệt May nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Do đó, việc nhận thức và tuyên truyền phổ biến sử dụng thiết bị tiết kiệm là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp trong Ngành tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nắm bắt rõ điều đó, đến nay, nhiều doanh nghiệp Dệt May Thái Bình đã đầu tư hàng tỷ đồng và thực hiện nhiều giải pháp về tiết kiệm năng lượng. Qua đó, các đơn vị đã và đang ngày một cải thiện hiệu quả SXKD, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao điều kiện làm việc cho người lao động.
Theo Tạp chí Công nghiệp và tiêu dùng