Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 19:37 GMT+7

Điển hình

Ngành điện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất

15/08/2018

Đầu tư ứng dụng công nghệ trong ngành điện hiện nay đang được triển khai rộng rãi trên cả nước. Các công ty điện lực chủ động đẩy mạnh triển khai áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động sản xuất và thu được nhiều kết quả thiết thực như tiết kiệm chi phí, giảm thời gian và tối ưu hóa các hoạt động quản lý.
Ảnh minh họa
Tổng công ty điện lực Miền Nam (EVNSPC) xác định kế hoạch năm 2018 tập trung công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông dùng riêng (VTDR) là nền tảng trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Hệ thống CNTT và VTDR đã được EVNSPC triển khai từ năm 2017 và đạt được kết quả cao trong việc quản lý sản xuất, tiết kiệm chi phí. Cụ thể về CNTT, EVNSPC đã xây dựng website chăm sóc khách hàng trực tuyến, thông báo tiền điện qua email, ứng dụng cổng thanh toán tiền điện trực tuyến, chương trình văn bản điện tử, chữ ký số, lắp đặt công tơ điện tử…
 
Hệ thống VTDR được triển khai phục vụ các hoạt động như đường truyền phục vụ công tác quản trị, điều hành kinh doanh và đường truyền phục vụ kênh thu thập dữ liệu SCADA, trạm biến áp TBA 110 kV không người trực.
 
Tổng công ty điện lực Miền Trung (EVNCPC) chủ động đầu tư công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng tự động hóa phục vụ triển khai lưới điện thông minh. Đơn vị đã lắp đặt công tơ điện tử vào lưới điện đồng thời kết hợp ứng dụng công nghệ đo xa tự động RF-MESH phục vụ công tác đo đếm. Ứng dụng này đã giúp công ty nhanh chóng phát hiện sự cố, gian lận điện, đảm bảo an toàn lao động, tiết kiệm thời gian ghi số điện và cắt giảm nhân công. 
 
Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (thuộc EVNCPC) là đơn vị đã triển khai công nghệ đo xa thông qua công tơ điện tử. Với tỷ lệ 81% lắp đặt công tơ điện tử giúp cho PC Đà Nẵng chủ động với việc ghi số đảm bảo tính minh bạch, chính xác. Với công nghệ đo xa công nhân không cần phải leo lên cột điện để ghi số, không tiếp xúc với thiết bị điện, không cần ngắt nguồn điện đảm bảo an toàn khi làm việc và tiết kiệm thời gian. Trước đây cần 10 công nhân thì với công nghệ đo xa giảm xuống chỉ cần 4 người, thời gian vệ sinh cách điện tại các trạm biến áp 110kV giảm từ 1 ngày xuống còn 3 giờ, tại các trạm biến áp phân phối 22/0,4kV chỉ cần 30 phút thay vì 4 giờ như trước.  
 
Từ năm 2017, Tập đoàn điện lực Việt Nam đã triển khai ứng dụng KHCN vào quản lý, vận hành hệ thống điện và mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 hầu hết các lĩnh vực hoạt động ngành điện đạt trình độ tiên tiến Thế giới, đáp ứng yêu cầu của một nước công nghiệp. Việc các đơn vị chủ động tiếp cận KHCN vào sản xuất, kinh doanh như hiện nay sẽ là tín hiệu giúp cho ngành điện phát triển và đạt hiệu quả với mục tiêu đề ra. 

 
Văn phòng SXSH và SXTDBV tổng hợp