Trước những thách thức về phát thải khí nhà kính, ô nhiễm không khí và xử lý chất thải, ngành nhiệt điện đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, hướng đến phát triển bền vững thông qua áp dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi nhiên liệu và các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm.
Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhiệt điện than hiện chiếm khoảng 46,3% tổng công suất phát điện của cả nước (năm 2022), tạo ra lượng khí thải đáng kể, gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí và biến đổi khí hậu. Lượng khí CO₂ phát thải từ ngành nhiệt điện chiếm tới 70% tổng lượng phát thải khí nhà kính của ngành năng lượng Việt Nam, gây áp lực lớn lên các cam kết giảm phát thải trong Thỏa thuận Paris mà Việt Nam đã tham gia.
Một trong những vấn đề nghiêm trọng của nhiệt điện than là ô nhiễm không khí do phát thải SO₂, NOₓ và bụi mịn PM2.5. Các khu vực có mật độ nhà máy nhiệt điện lớn như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Thuận đã ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí cao hơn trung bình cả nước. Ngoài ra, việc xử lý tro xỉ cũng là một thách thức lớn khi mỗi năm ngành nhiệt điện thải ra khoảng 15 triệu tấn tro xỉ, trong đó chỉ khoảng 40% được tái sử dụng, phần còn lại chủ yếu lưu trữ tại bãi chứa, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và đất đai.
Nhà máy nhiệt điện Thái Bình (Ảnh: Báo Chính phủ)
Giải pháp hướng đến phát triển bền vững
Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam đang từng bước áp dụng các công nghệ tiên tiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tối ưu hóa hiệu suất và chuyển đổi sang các nguồn nhiên liệu sạch hơn để từng bước hướng tới phát triển bền vững.
Ứng dụng công nghệ tiên tiến, đây là giải pháp quan trọng góp phần giảm phát thải khí ô nhiễm. Đơn cử, nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đã đầu tư hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) với hiệu suất loại bỏ bụi lên đến 99,7% và hệ thống khử lưu huỳnh bằng công nghệ đá vôi (FGD), giúp giảm 92% lượng khí SO₂ và 80% lượng NOₓ phát thải ra môi trường; Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 cũng đã lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, giám sát liên tục nồng độ các chất ô nhiễm nhằm đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn môi trường của Việt Nam và quốc tế.
Chuyển đổi nhiên liệu, ngành nhiệt điện Việt Nam đang có những bước chuyển đổi quan trọng về nhiên liệu nhằm giảm sự phụ thuộc vào than đá - nhiên liệu vốn được xem là nguồn năng lượng gây ô nhiễm cao. Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đang thử nghiệm phối trộn than với sinh khối (biomass), dự kiến giúp giảm ít nhất 20% lượng khí CO₂ phát thải so với sử dụng hoàn toàn than đá. Trong khi đó, Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng đang triển khai nghiên cứu thay thế một phần nhiên liệu than bằng khí hóa lỏng (LNG), một phương án được đánh giá có thể giảm đến 50% lượng phát thải CO₂ và hầu như không có khí SO₂.
Xử lý tro xỉ cũng là vấn đề được các nhà máy nhiệt điện đặc biệt quan tâm. Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã ký kết hợp đồng tiêu thụ tro xỉ với các doanh nghiệp xi măng và vật liệu xây dựng, giúp giảm đáng kể lượng chất thải rắn phải xử lý. Tương tự, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 đang ứng dụng công nghệ đóng rắn tro xỉ để hạn chế phát tán bụi và ô nhiễm nguồn nước, góp phần tái sử dụng tài nguyên và giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Theo kế hoạch của EVN, đến năm 2030, tỷ lệ tái sử dụng tro xỉ phải đạt ít nhất 80%, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Bãi chứa tro, xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (tỉnh Bình Thuận) (Ảnh: qdnd.vn)
Sử dụng năng lượng tái tạo, định hướng phát triển bền vững của ngành nhiệt điện phù hợp với chiến lược dài hạn của Chính phủ Việt Nam, trong đó đặt mục tiêu giảm tỷ trọng nhiệt điện than xuống dưới 30% vào năm 2045, đồng thời đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và thủy điện. Các tập đoàn lớn như EVN và TKV cũng đang tích cực đầu tư vào công nghệ sạch, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để tìm kiếm giải pháp tối ưu trong việc giảm phát thải khí nhà kính.
Việt Nam đang xem xét triển khai cơ chế giá điện carbon, trong đó các nhà máy nhiệt điện phát thải cao sẽ phải trả phí theo lượng khí thải CO₂ của mình. Điều này không chỉ giúp hạn chế các dự án nhiệt điện than mới mà còn khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành áp dụng công nghệ xanh hơn. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để tiếp cận nguồn vốn tài trợ cho các dự án chuyển đổi năng lượng sạch.
Việc chuyển đổi sang mô hình nhiệt điện thân thiện với môi trường không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là xu hướng tất yếu để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Với những nỗ lực trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, cải tiến nhiên liệu và quản lý chất thải, các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng quốc gia, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Tố Uyên tổng hợp