Ngày 08/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tiêu dùng bền vững

Nông sản xanh, thực phẩm sạch - xu hướng tiêu dùng hiện đại

08:30 - 04/07/2023
Những năm trở lại đây, xu hướng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường trở nên phổ biến và trở thành xu hướng tiêu dùng hiện đại. Các cơ sở kinh doanh, chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn ngày càng nhiều với đủ các mặt hàng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Yên tâm hơn khi mua thực phẩm sạch
Khảo sát tại một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm cho thấy, nhu cầu về thực phẩm an toàn của người dân hiện nay tăng so với những năm trước. Các mặt hàng rau, củ, quả tươi, thịt tươi sống, thực phẩm khô, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là những mặt hàng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Thực phẩm ở các cửa hàng này đều có xuất xứ rõ ràng, từ các vùng trên khắp cả nước, có cả thực phẩm nhập khẩu, chủ yếu là các mặt hàng thịt, rau, củ, quả, hải sản… Các sản phẩm đều công khai nguồn gốc, xuất xứ, dán tem QR code để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm cùng những thông tin cơ bản. Không chỉ đẩy mạnh việc bán hàng trực tiếp, các cửa hàng còn phát triển kênh bán hàng online, quảng bá sản phẩm giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận.
Thực tế cho thấy thực phẩm hữu cơ đang có giá cao hơn thực phẩm cùng loại từ 20%-30%, tuy nhiên người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chi trả để có được sản phẩm an toàn bảo vệ sức khỏe gia đình.
Bà Nguyễn Thị Vân, ở phố Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, có thể các sản phẩm nông sản hữu cơ có giá đắt hơn một chút, nhưng khi sử dụng chúng tôi hoàn toàn yên tâm về chất lượng. Do đó, lâu nay, các loại hoa quả tôi đều mua ở các địa chỉ bán nông sản hữu cơ.
Hay chị Nguyễn Hà Thu (31 tuổi, Hà Nội) cho biết, trước đây, thỉnh thoảng mới mua các loại thực phẩm organic (hữu cơ) mặc dù hiểu rằng sản phẩm hữu cơ tốt hơn cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi tìm hiểu sâu hơn quá trình làm ra sản phẩm organic là trên cơ sở không tổn hại đến môi trường, thì đây trở thành một ưu tiên của chị khi mua sắm, cho dù sản phẩm này có giá đắt hơn. "Ngoài lợi ích tốt cho sức khỏe thì đây cũng là cách góp phần nhỏ vào việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên", chị Thu vui vẻ nói.
Lựa chọn của người tiêu dùng hướng đến nông sản sạch nhiều hơn. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Chị Hoàng Thị Liên ở phố Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) cũng thường xuyên mua nông sản, thực phẩm có thương hiệu, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cửa hàng chuyên kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch. Chị Liên cho biết: Trước đây, tôi khá dễ tính khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình. Những năm gần đây, nhất là sau khi xuất hiện dịch Covid-19, nhận thức được mối nguy hại từ các loại thực phẩm không có nguồn gốc, tôi đã thay đổi thói quen trong mua sắm và tiêu dùng, chú trọng hơn đến việc đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình. Tôi thường mua các thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, thực phẩm hữu cơ tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Ngoài lý do an toàn, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thực phẩm hữu cơ còn mang lại nhiều chất dinh dưỡng, ăn ngon và có vị đậm hơn các sản phẩm cùng loại được sản xuất thông thường.
Nắm bắt xu hướng
Có thể thấy, với thu nhập ngày càng cao, người tiêu dùng cũng có nhu cầu cao hơn trong việc sử dụng các sản phẩm thực phẩm chất lượng cao. Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Thương mại Kantar Worldpanel Việt Nam, xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng trong thời gian tới tập trung ở các loại sản phẩm hữu cơ, các sản phẩm giàu dinh dưỡng, trái cây và các mặt hàng tiêu dùng nhanh. “Lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng sẽ là những sản phẩm tốt cho sức khỏe, do đó, nông sản sạch, thực phẩm hữu cơ sẽ được lựa chọn đầu tiên” – ông Hoàng nói và cho rằng, các nhà sản xuất, nông dân và các doanh nghiệp cần chú ý nhãn mác rõ ràng, tuyên truyền các lợi ích sức khỏe từ sản phẩm cho người tiêu dùng.
Trên thực tế, nhiều doanh ngiệp nông sản hiện nay đã đầu tư mạnh hơn vào khâu chế biến, đa dạng hóa sản xuất, liên kết với nhau… nhằm cung ứng các sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường. Đơn cử, trang trại Hoa Viên quy mô 160 ha ở Thạch Thất, Hà Nội, sản xuất rau Đại Ngàn đã có 10 ha đạt chứng nhận Organic USDA của Mỹ, hiện đang cung cấp rau sạch cho hàng ngàn khách hàng. Nhưng bên cạnh đó, trang trại này cũng có doanh thu lớn từ việc nuôi lợn rừng và đang bắt đầu canh tác thêm các loai thảo mộc và cung cấp dịch vụ du lịch nông trại để tối ưu hóa việc khai thác khách hàng.
Chăm sóc rau hữu cơ tại Trang trại Hoa Viên, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)
Việc mua sắm sản phẩm hàng hóa tại các cửa hàng uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng đang ngày càng trở nên phổ biến và trở thành xu hướng tiêu dùng hiện đại. Các cơ sở kinh doanh, chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn cung cấp nhiều mặt hàng, từ đó giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn.
Báo cáo xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ của AC Nielsen cho thấy, tại Việt Nam có 86% người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn sản phẩm organic (thực phẩm hữu cơ) cho bữa ăn hàng ngày vì tính an toàn, giàu dinh dưỡng và hương vị.
Mai Anh