Kế hoạch Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải đến năm 2030, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ giảm 18,3% lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải so với kịch bản phát triển thông thường, tương ứng với việc giảm 8,46 triệu tấn CO2tđ. Những khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn CO2 có thể được chuyển đổi thành lượng CO2 tương đương. Trong đó, phát thải khí metan sẽ giảm 7,28 triệu tấn CO2tđ, và lượng phát thải khí metan không vượt quá 40,98 triệu tấn CO2tđ.
Nếu nhận được sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ từ quốc tế, mức giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải có thể đạt đến 63,5% so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương 29,42 triệu tấn CO2tđ. Trong đó, phát thải khí metan sẽ giảm 26,94 triệu tấn CO2tđ, và tổng lượng phát thải khí metan không vượt quá 17,50 triệu tấn CO2tđ.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ giảm 18,3% lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải
Để đạt được mục tiêu này, Kế hoạch đã đề ra các biện pháp cụ thể, bao gồm việc giảm thiểu và phân loại chất thải rắn sinh hoạt ngay từ nguồn, xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ có thu hồi khí metan, tái chế chất thải rắn, sản xuất phân compost, đốt chất thải rắn và đốt chất thải phát điện.
Ngoài ra, các biện pháp như sản xuất viên nén nhiên liệu và chôn lấp chất thải có thu hồi khí metan cũng sẽ được triển khai. Đối với nước thải sinh hoạt, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, cũng như xử lý nước thải sinh hoạt có thu hồi khí metan. Đối với nước thải công nghiệp, các biện pháp giảm phát sinh nước thải tại nguồn và thu hồi khí metan từ xử lý nước thải công nghiệp cũng sẽ được thực hiện.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ xây dựng và hoàn thiện các chính sách, hướng dẫn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật vào năm 2025. Đồng thời, các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm khí metan, sẽ được triển khai thông qua nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tuyên truyền nâng cao nhận thức và tăng cường hợp tác quốc tế để huy động nguồn lực.
Các cơ sở xử lý chất thải nằm trong danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là khí metan.
Kết quả kiểm kê khí nhà kính của lĩnh vực quản lý chất thải tăng đều qua các kỳ kiểm kê từ năm 2014 đến năm 2020, cụ thể: 21,51 triệu tấn CO2tđ vào năm 2014; 20,74 triệu tấn CO2tđ vào năm 2016; 30,47 triệu tấn CO2tđ vào năm 2018; 31,06 triệu tấn CO2tđ vào năm 2020. Kết quả kiểm kê khí mê-tan của lĩnh vực quản lý chất thải tăng đều qua các kỳ kiểm kê từ năm 2014 đến năm 2020, cụ thể: 19,52 triệu tấn CO2tđ vào năm 2014; 17,95 triệu tấn CO2tđ vào năm 2016; 26,47 triệu tấn CO2tđ vào năm 2018; 26,44 triệu tấn CO2tđ vào năm 2020. |
Tố Uyên