Back

Xanh hóa chuỗi cung ứng không chỉ là xu hướng, mà là chiến lược quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường quốc tế mở ra cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu, đồng thời giảm thiểu chi phí vận hành và tăng cường uy tín đối với đối tác và người tiêu dùng..


Khi xanh hoá trở thành "tấm vé thông hành"

Kể từ năm 2023, hàng loạt chính sách mới về môi trường và phát thải bắt đầu có hiệu lực và gây tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó đáng chú ý nhất là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) do Liên minh châu Âu ban hành. Các sản phẩm nhập khẩu vào EU trong một số lĩnh vực nhất định phải khai báo và chịu thuế tương ứng với lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất. Điều này không chỉ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, mà còn buộc họ phải xây dựng hệ thống quản lý và báo cáo phát thải minh bạch - một điều không dễ thực hiện, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Song song đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA cũng tích hợp các điều khoản ràng buộc về phát triển bền vững khiến các doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến sản phẩm cuối cùng, mà còn phải kiểm soát được chuỗi cung ứng. Bao gồm từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, tiêu thụ năng lượng, sử dụng tài nguyên nước, phát sinh chất thải, đến điều kiện làm việc của người lao động.


Các tập đoàn đa quốc gia, các khách hàng lớn của doanh nghiệp Việt cũng đang đồng loạt chuyển hướng theo các mục tiêu phát triển bền vững. Các tiêu chuẩn ESG, Net Zero, Carbon Footprint, Green Label, ISO 14001, hay ISO 50001 trở thành tiêu chí sàng lọc đối tác. Nếu không đạt, doanh nghiệp Việt sẽ bị thay thế bởi những nhà cung cấp khác đến từ Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan hay Indonesia - nơi các chính phủ và doanh nghiệp đã đi trước một bước trong quá trình chuyển đổi xanh.


Doanh nghiệp Việt giữ vai trò là mắt xích quan trọng trong nhiều chuỗi giá trị ở khu vực và toàn cầu, đặc biệt trong các ngành như dệt may, da giày, điện tử, gỗ, nhựa và chế biến nông sản. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp Việt vẫn đang ở vị trí cung ứng gia công, giá trị gia tăng thấp và phụ thuộc vào đơn đặt hàng từ nước ngoài. Do đó yêu cầu chuyển mình theo hướng xanh và bền vững đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc chuyển đổi không còn là lựa chọn, mà trở thành yếu tố sống còn nếu doanh nghiệp muốn nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu. Nếu như trước đây, tiêu chí xanh trong chuỗi cung ứng còn là khái niệm xa xỉ, thì hiện nay nó đã trở thành “tấm vé thông hành”, đôi khi là duy nhất để doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường thế giới.

Các doanh nghiệp

tiên phong 

Trước sức ép từ thị trường quốc tế và yêu cầu ngày càng cao từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực thay đổi. Từ những tập đoàn lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều đơn vị đã bắt đầu đầu tư vào công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, quản lý chất thải và cải thiện chuỗi cung ứng.


Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong ngành dệt may, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG hiểu rằng, muốn tồn tại lâu dài trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu, không thể tiếp tục sản xuất theo kiểu cũ. Ngay từ năm 2020, TNG đã đầu tư vào năng lượng mặt trời áp mái, hệ thống tái sử dụng nước, đồng thời cài đặt phần mềm kiểm soát phát thải CO₂ trong toàn bộ nhà máy.

Bên cạnh đó, TNG còn tiến hành thay đổi chính sách mua sắm đầu vào, ưu tiên nguyên liệu có chứng nhận bền vững như OEKO-TEX, Global Recycled Standard (GRS). Nhờ đó, TNG hiện giữ vững vai trò là nhà cung cấp cho nhiều thương hiệu thời trang toàn cầu như Decathlon, Nike, Adidas..


Ông Đào Đức Thanh, phụ trách quản trị Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG thông tin: Từ năm 2020 đến nay, TNG xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu. Chuyển đổi xanh là một yêu cầu bắt buộc để ngành dệt may nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập, nhất là khi xuất khẩu vào những thị trường lớn đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn môi trường như EU và Hoa Kỳ. Ban lãnh đạo Công ty và các thành viên Hội đồng quản trị đã quyết tâm xây dựng chiến lược xanh hóa từ sản xuất đến môi trường, nâng cao năng suất lao động, giúp công nhân làm việc trong điều kiện tốt nhất.

Tại Công ty Cổ phần sản xuất nhựa Duy Tân, với khẩu hiệu “Tái sinh nhựa - Bảo vệ môi trường - Tăng giá trị sản phẩm”, đơn vị trở thành một trong những doanh nghiệp hiếm hoi trong ngành nhựa Việt Nam triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, khép kín vòng đời của nhựa. Nhà máy tái chế của Duy Tân tại Long An có thể xử lý hơn 60.000 tấn nhựa mỗi năm, biến rác thải nhựa sau tiêu dùng thành bao bì chất lượng cao.

Đặc biệt, toàn bộ quy trình sản xuất được kiểm soát nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp Duy Tân nhận được hợp đồng cung ứng trực tiếp cho các đối tác lớn như Nestlé, Unilever,... và nhiều doanh nghiệp yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc và phát thải carbon khác. Không chỉ cải thiện môi trường, việc tái chế nhựa cũng giúp doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào nguyên liệu hạt nhựa nguyên sinh nhập khẩu, qua đó giảm rủi ro về giá và đảm bảo chuỗi cung ứng đầu vào ổn định.

Còn tại Tập đoàn TH, bên cạnh mục tiêu sản xuất sữa sạch, doanh nghiệp còn là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp triển khai mô hình sản xuất xanh toàn diện. Tại Nghĩa Đàn (Nghệ An), trang trại bò sữa của TH vận hành theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn: chất thải rắn được đưa vào sản xuất phân hữu cơ; nước thải được xử lý và tái sử dụng cho hệ thống tưới tự động; khí thải được tận dụng làm nhiên liệu sinh học. Bên cạnh đó, TH còn trồng cây dược liệu xen kẽ đồng cỏ, tạo cảnh quan sinh thái và tăng hiệu quả sử dụng đất. Những nỗ lực trên giúp TH không chỉ xây dựng hình ảnh thương hiệu mạnh trong nước, mà còn chinh phục được các thị trường xuất khẩu như Trung Đông và châu Á.

Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank) ước tính, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD đầu tư cho các hoạt động chuyển đổi xanh đến năm 2040, trong đó phần lớn liên quan đến năng lượng, công nghiệp, vận tải và sản xuất. Nếu không thực hiện, chi phí cơ hội về mất thị trường, giảm tăng trưởng và tăng phát thải sẽ còn lớn hơn nhiều.

Rào cản

của doanh nghiệp

Dù nhận thức về tầm quan trọng của phát triển bền vững ngày càng được nâng cao, nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay giữa những thách thức lớn, vừa hữu hình về nguồn lực vừa vô hình về tư duy và thói quen vận hành truyền thống, khiến quá trình chuyển đổi sang chuỗi cung ứng xanh gặp nhiều rào cản đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Trong đó, rào cản nổi bật nhất chính là vấn đề tài chính. Việc đầu tư vào các công nghệ sản xuất sạch hơn, hệ thống xử lý chất thải, tiết kiệm năng lượng hay sử dụng nguyên liệu tái chế thường đòi hỏi nguồn vốn đáng kể, trong khi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực kinh tế hạn chế. Sự lo ngại về thời gian thu hồi vốn kéo dài và thiếu các gói tín dụng xanh phù hợp khiến nhiều đơn vị dù có thiện chí cũng không dám mạnh dạn đầu tư.

Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin và chuyên môn về các tiêu chuẩn môi trường quốc tế đang là một rào cản âm thầm nhưng đầy ảnh hưởng. Những quy định mới như CBAM của châu Âu hay xu hướng bắt buộc công bố báo cáo phát thải theo ESG đang khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp không hiểu rõ các tiêu chí kỹ thuật, không biết bắt đầu từ đâu để tuân thủ, cũng như thiếu đội ngũ nhân sự đủ năng lực để tiếp cận và triển khai. Sự mơ hồ thông tin khiến doanh nghiệp dễ rơi vào trạng thái bị động hoặc đi sau trong các chuỗi cung ứng toàn cầu..


Ngoài ra, việc thiếu sự liên kết giữa các mắt xích trong chuỗi cung ứng cũng là một trở ngại lớn. Một doanh nghiệp đơn lẻ rất khó tạo ra giá trị bền vững nếu các đối tác trong chuỗi chưa cùng chuyển đổi. Tuy nhiên, trên thực tế, sự kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất với nhà cung cấp nguyên vật liệu, đơn vị logistics, nhà phân phối tại Việt Nam còn khá rời rạc. Điều này dẫn đến tình trạng mỗi đơn vị một hướng, thiếu sự chia sẻ thông tin và không thể tối ưu hóa hiệu quả chuyển đổi.


Một rào cản quan trọng khác đến từ chính cơ chế hỗ trợ còn thiếu đồng bộ. Dù chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được ban hành, nhưng các hướng dẫn cụ thể về cách triển khai trong từng ngành, từng lĩnh vực vẫn chưa rõ ràng. Việc tiếp cận chính sách hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực xanh còn phân tán và phức tạp, khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc tận dụng các công cụ từ nhà nước. Đặc biệt ở cấp địa phương, sự thiếu nhất quán trong triển khai khiến không ít doanh nghiệp cảm thấy “cô đơn” trên hành trình xanh hóa.

Giải pháp đồng bộ

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang chuỗi cung ứng xanh, không thể chỉ kỳ vọng vào nỗ lực riêng lẻ của từng doanh nghiệp. Đây là một tiến trình mang tính hệ thống, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả Chính phủ, hệ thống tài chính, các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp.

Từ phía nhà nước, điều quan trọng là cần cụ thể hóa các định hướng chiến lược thành những hành động rõ ràng, khả thi và dễ tiếp cận. Các tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường, lượng phát thải, truy xuất nguồn gốc cần được xây dựng phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhưng đồng thời cũng cần linh hoạt để phù hợp với trình độ phát triển hiện tại của doanh nghiệp Việt. Những trung tâm hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn giải pháp xanh nên được thiết lập tại các cụm công nghiệp và địa phương để đóng vai trò là cầu nối giúp doanh nghiệp tiếp cận kiến thức, công nghệ và thông tin thị trường. Việc đẩy mạnh hình thành thị trường tín chỉ carbon và hệ thống sàn giao dịch carbon quốc gia cũng sẽ tạo động lực kinh tế cho doanh nghiệp tham gia vào giảm phát thải.

Hệ thống tài chính, đặc biệt là ngân hàng và các tổ chức tín dụng, có thể góp phần quan trọng thông qua việc phát triển các gói tín dụng xanh, thiết kế các sản phẩm tài chính phù hợp với nhu cầu chuyển đổi của doanh nghiệp. Việc đánh giá tín nhiệm xanh cho doanh nghiệp không chỉ giúp phân bổ vốn hiệu quả mà còn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Ngoài ra, việc mở rộng hợp tác với các định chế tài chính quốc tế để đưa nguồn vốn phát triển bền vững vào Việt Nam là một hướng đi tiềm năng.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, việc tạo lập các liên minh ngành xanh, mạng lưới sản xuất tuần hoàn hoặc câu lạc bộ doanh nghiệp bền vững sẽ giúp lan tỏa tinh thần hợp tác, chia sẻ nguồn lực và tăng khả năng thích ứng. Những doanh nghiệp lớn có thể đóng vai trò dẫn dắt chuỗi cung ứng, hỗ trợ các nhà cung cấp nhỏ hơn cùng đạt tiêu chuẩn môi trường và chứng chỉ quốc tế. Các hiệp hội ngành nghề nên tích cực trong việc cập nhật thông tin, đào tạo chuyên môn, xây dựng bản đồ chuyển đổi xanh cho từng lĩnh vực, từ đó giúp hội viên hiểu rõ lộ trình và lối đi phù hợp.


Ngoài ra, truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra làn sóng xanh trong cộng đồng doanh nghiệp. Việc lan tỏa những câu chuyện thành công, mô hình chuyển đổi hiệu quả không chỉ giúp doanh nghiệp học hỏi kinh nghiệm mà còn khơi dậy cảm hứng hành động trong toàn xã hội.

Xem thêm:

Trở lại trang: scp.gov.vn