Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:38 GMT+7

Tin hoạt động

Khuyến công Điện Biên Cần hỗ trợ về nguồn lực và chính sách

05/02/2016

Năm 2015, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC) tỉnh Điện Biên đã triển khai 2 đề án, gồm: Đề án hỗ trợ cụm máy móc trong sản xuất miến dong tại xã Lay Nưa (thị xã Mường Lay) và Đề án hỗ trợ máy móc thiết bị trong chế biến cà phê bột tại Công ty TNHH cà phê Đại Bách (xã Ảng Nưa, huyện Mường Ảng).

Ông Lò Văn Thiện - phụ trách Phòng Khuyến công TTKC tỉnh Điện Biên - cho biết, hai đề án trên có tổng kinh phí hỗ trợ 200 triệu đồng và đều từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Năm 2015, Điện Biên không triển khai được đề án khuyến công địa phương nào do tỉnh không bố trí được kinh phí.Cũng theo ông Lò Văn Thiện, công tác khuyến công của tỉnh hiện gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là về nguồn vốn hỗ trợ, Điện Biên là tỉnh miền núi, nghèo, vì vậy kinh phí dành cho công tác khuyến công rất hạn chế. Mỗi năm, khuyến công địa phương tỉnh chỉ được giao khoảng 500 triệu đồng, thậm chí như năm 2015 còn không bố trí được nguồn.

Hơn nữa, trên địa bàn tỉnh số lượng cơ sở công nghiệp - nông thôn rất ít, quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp dịch vụ, xây dựng, thương mại chiếm đa số, doanh nghiệp chế biến, sản xuất rất hiếm, do vậy việc tìm kiếm đối tượng thụ hưởng đáp ứng được các tiêu chí là rất khó khăn. Các cơ sở lại nằm phân tán, xa trung tâm tỉnh, trong khi địa hình phức tạp khiến việc tiếp cận cũng không dễ dàng. “Có những đề án triển khai tại các huyện vùng sâu, vùng xa giáp biên giới phải đi mất cả ngày đường. Trong khi đó, TTKC phương tiện chưa có, cán bộ phụ trách phải di chuyển bằng xe khách nên việc xây dựng đề án cũng gặp không ít trở ngại”- ông Thiện cho hay.

Với nội dung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, TTKC triển khai được rất ít đề án và thực tế trong hai năm 2014 và 2015 chưa đề án nào được triển khai. Dự kiến, năm 2016, Khuyến công Điện Biên cũng không thực hiện đề án nào trong nội dung này. Nguyên nhân là do chương trình khuyến công chỉ hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp, có nghĩa công tác đào tạo phải liên kết và doanh nghiệp tạo việc làm cho học viên sau đào tạo. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô rất nhỏ, số doanh nghiệp đủ sức tiếp nhận hết số lao động được đào tạo (theo quy định 1 lớp đào tạo phải có từ 35 người trở lên) rất ít.Lao động vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa của tỉnh phần lớn là người dân tộc thiểu số, đời sống rất khó khăn nên không thể theo học chính quy 3 tháng, 6 tháng. Thêm nữa, mức hỗ trợ cho người học nghề của khuyến công kém hấp dẫn hơn nhiều so với các chương trình khác như: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình 30a, 135… Đây cũng là những nguyên nhân khiến khuyến công Điện Biên ít tổ chức được các đề án đào tạo nghề.

Cũng theo ông Lò Văn Thiện, để khắc phục những khó khăn trên, khuyến công Điện Biên chuyển hướng hỗ trợ, tập trung cho các cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ, máy móc. Năm 2016, TTKC dự kiến hỗ trợ 3 đề án trong nội dung này, gồm: Đề án hỗ trợ máy rang cà phê công suất lớn hơn 100kg/mẻ cho Công ty TNHH Hải An; hỗ trợ máy sấy nông lâm sản cho cơ sở Quang Lành với công suất khoảng 25-30 tấn/mẻ; thiết bị trong dây chuyền chế biến sản phẩm từ gỗ công nghiệp cho Công ty Redding. TTKC cũng dự kiến bổ sung thêm đề án xây dựng mô hình trình diễn chế biến gạo.“Khuyến công cần phải tạo động lực đủ mạnh để doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn hào hứng và gắn bó với chương trình. Vấn đề thanh toán, quyết toán, cũng như những yêu cầu và thủ tục hành chính với các tỉnh miền núi như Điện Biên cần có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn.”- ông Thiện nhấn mạnh.