Theo UBND xã Hùng Lô, xã có tổng diện tích khoảng 2 km2, dân số hơn 5.000 nhân khẩu, với khoảng 2.000 hộ. Với diện tích đất nông nghiệp nhỏ, nhưng nhờ phát triển sản xuất các ngành nghề TTCN, đặc biệt là nghề bún, bánh truyền thống giúp Hùng Lô trở thành một trong những “mũi nhọn” kinh tế của Tp.Việt Trì.
Kinh tế phát triển mạnh
Ông Nguyễn Tiến Đức - Chủ tịch UBND xã Hùng Lô, cho biết: “Hùng Lô là xã “đất chật, người đông”, các ngành TTCN theo hình thức làng nghề. Trong đó, làng nghề bún, bánh Hùng Lô là một điển hình về kinh tế. Nhờ sự phát triển mạnh của các làng nghề, Hùng Lô luôn là một trong những địa phương đóng góp ngân sách lớn cho thành phố”.
Theo thống kê của UBND xã, trong nhiều năm trở lại đây, tổng giá trị sản xuất toàn xã Hùng Lô luôn đạt trên 120 tỷ đồng/năm. Trong đó, các ngành TTCN và dịch vụ luôn chiếm tỷ trọng trên 80% (còn lại là nông nghiệp, dưới 20%).
Với hơn 80% người dân làm nghề bún, bánh, mỳ gạo, địa bàn khu 8 và khu 9 là hai khu vực sản xuất phát triển mạnh nhất của xã Hùng Lô. Anh Phan Văn Minh - một chủ cơ sở sản xuất mỳ gạo, cho biết trong khoảng 5 năm trở lại đây, làng nghề đã được hiện đại hóa lên nhiều. Máy móc, thiết bị được đầu tư mạnh, nguồn vốn và thị trường ổn định. Nhờ vậy mà kinh tế người dân làm nghề ổn đỉnh hơn nhiều.
“Cơ sở của tôi thành lập từ năm 2007, trước đây chỉ sản xuất nhỏ tại nhà. Sau khi nhận được nguồn vốn đầu tư từ quỹ TDND trong xã, tôi đã mạnh dạn mở rộng sản xuất. Đến nay, xưởng hoạt động khá tốt với trang bị máy móc tại nhiều khâu sản xuất, tạo việc làm ổn định cho 4 công nhân, với mức lương từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng”, anh Minh chia sẻ.
Nhờ sản xuất sạch hơn
Theo ông Nguyễn Tiến Đức, có nhiều nguyên nhân để Hùng Lô có được thành quả như ngày nay. Đầu tiên, là tiềm lực con người. Người dân Hùng Lô khá năng động, tự chủ trong sản xuất, có ý thức tự vươn lên, phát triển kinh tế gia đình. Thứ hai là hoạt động rất hiệu quả của quỹ TDND trong xã, giải quyết tốt vấn đề vốn sản xuất cho người dân. Quỹ TDND không chỉ cung cấp vốn, mà còn giám sát việc sử dụng đồng vốn của người dân.
Thứ ba là hoạt động gây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường. Chính quyền và người dân làm nghề luôn có ý thức cao trong việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, bảo đảm uy tín của làng nghề, đồng thời, tích cực quảng bá sản phẩm, mở rộng thêm thị trường tiêu thụ. Trong đó, chợ Hùng Lô với quy mô ngày càng lớn, thu hút khách hàng, tạo đầu ra cho sản phẩm.
Tuy nhiên, theo ông Đức, lý do quyết định cho sự đột phá hiện tại của Hùng Lô là nhờ hoạt động SXSH. Mô hình SXSH, sau hơn 5 năm triển khai, đã tạo động lực lớn cho hoạt động sản xuất và đặc biệt là giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề, giúp làng nghề phát triển bền vững.
“Trước đây, 80% cơ sở sản xuất tại Hùng Lô không có hệ thống xử lý chất thải, gần 70% máy móc thô sơ lạc hậu, lượng chất thải gia tăng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhưng kể từ khi áp dụng SXSH, ý thức người dân được nâng cao, máy móc được hiện đại hóa, góp phần tăng năng suất lao động và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường”, ông Đức, cho biết.
Các hộ làm nghề tại Hùng Lô chia sẻ, việc áp dụng mô hình SXSH giúp tiết kiệm gần 10% chi phí nguyên liệu, năng xuất tăng lên hơn 20%. Đặc biệt, lượng chất thải và khí thải đã được giảm thiểu nhờ hệ thống thoát nước, và xử lý khói bụi được trang bị tại từng cơ sở.
“Mô hình SXSH không chỉ phát huy hiệu quả tại Hùng Lô, mà đang được triển khai tại nhiều làng nghề tại Phú Thọ. Đây là một mô hình tiên tiến, có hiệu quả rất cao, vì vậy, nếu được đầu tư triển khai rộng rãi thì đây là lối thoát cho vấn đề ô nhiêm làng nghề hiện tại”, ông Nguyễn Tiến Đức, nói.