Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 09:27 GMT+7

Tin hoạt động

Sơn La: Công nghệ sản xuất gạch không nung từ đất đồi và nguyên liệu sẵn có

21/01/2016

Dự án bắt đầu từ tháng 4-2014 đến tháng 12-2015. Việc chuyển giao áp dụng công nghệ mới này sẽ góp phần thực hiện chủ trương quy hoạch sản xuất VLXD không nung của Chính phủ, của Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Sơn La đề ra đến năm 2020, góp phần từng bước xóa lò gạch thủ công hiện nay, tiết kiệm nguyên liệu đất, không sử dụng đất canh tác, giải quyết vấn đề môi trường trong công nghiệp sản xuất hiện nay.
 
Công nghệ sản xuất gạch không nung là công nghệ phù hợp với điều kiện nguồn nguyên liệu đất đồi không có khả năng canh tác nên khá phù hợp ở tỉnh miền núi như Sơn La, phù hợp với khả năng đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Gạch không nung là loại gạch xây sau khi được tạo hình sẽ tự đóng rắn đạt các chỉ số về cơ học: Cường độ nén, cường độ uốn và độ hút nước... mà không cần phải qua xử lý nhiệt độ. Gạch không nung có nguyên liệu chính là đất đồi, cốt liệu và phụ gia còn gọi là “đất hóa đá” đã và đang được phát triển ứng dụng... Gạch không nung có thể sản xuất từ phế thải xây dựng, tận dụng được các nguồn phế thải xây dựng góp phần cải thiện môi trường xanh, sạch, đẹp. Công nghệ gạch không nung sử dụng năng lượng hóa thạch góp phần bảo vệ môi trường.

Dự án Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất gạch không nung tại tỉnh Sơn La có mục tiêu nghiên cứu là xây dựng mô hình sản xuất gạch không nung công suất 15 triệu viên/năm, từ nguồn nguyên liệu chính là đất đồi và nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương; đồng thời đào tạo 3 kỹ thuật viên và 17 công nhân làm chủ được công nghệ sản xuất. Tính tiên tiến của công nghệ trong dây chuyền sản xuất có thể khẳng định, công nghệ không gây ô nhiễm môi trường do không thải khói bụi và chất thải ra môi trường, làm sạch thêm môi trường do tận thu các phế thải sản xuất công nghiệp như: bã thải khai thác khoáng sản, sỉ than, gạch vỡ... Kiểu dáng gọn, không sử dụng nhiệt nên tiết kiệm năng lượng. Có thể tự động hoặc bán tự động hóa, có độ ổn định cao; tháo lắp, thao tác vận hành nhanh chóng thuận tiện, đơn giản; việc thay thế, sửa chữa đơn giản, sẵn có... Đặc biệt là về khoa học và công nghệ, dự án đã tiếp thu, làm chủ và áp dụng thành công quy trình công nghệ sản xuất gạch không nung bằng công nghệ đất hóa đá từ nguyên liệu sẵn có của địa phương; xây dựng được mô hình sản xuất phục vụ nhu cầu phát triển tại tỉnh; góp phần nâng cao trình độ, năng lực công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sự cạnh tranh sản phẩm vật liệu xây dựng nói chung, gạch không nung nói riêng của các cơ sở sản xuất trên địa bàn, tạo sản phẩm gạch xây dựng mới, thúc đẩy sản xuất công nghiệp của tỉnh phát triển.
 
Đến nay dự án đã sản xuất thử nghiệm được trên 10.000 viên gạch, tiếp thu, làm chủ và áp dụng thành công quy trình công nghệ sản xuất gạch không nung bằng công nghệ đất hóa đá từ nguyên liệu sẵn có của địa phương. Kết quả nghiên cứu của dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường rõ rệt. Chất lượng gạch được đánh giá tương đương và cao hơn gạch nung truyền thống cùng loại, sử dụng ít diện tích mặt bằng hơn, ít diện tích có mái che hơn, chi phí đầu tư giảm. Không sử dụng nhiệt nên tiết kiệm năng lượng, có thể tận dụng được nguồn đất sẵn có và có lợi thế tại địa phương. Bên cạnh đó, công nghệ được sử dụng cần ít nhân công, bộ máy quản lý gọn nhẹ. Giá thành hạ hơn gạch nung cùng loại từ 200 - 300 đồng/viên. Thiết bị sản xuất đơn giản dễ sử dụng, có thể bố trí theo yêu cầu, theo quy mô nhỏ lẻ phân tán hoặc quy mô tổ hợp lớn. Sản xuất gạch không nung sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp vật liệu trên địa bàn tỉnh phát triển hơn, sẽ làm giảm sự phụ thuộc vào vật liệu nung.

Sử dụng gạch không nung là một xu hướng tất yếu về mặt xã hội. Làm sạch môi trường do không sử dụng các nguyên liệu đốt trực tiếp: Củi , than, trấu và việc lấy đất sét mịn làm vật liệu chính sản xuất gạch. Không làm mất đất canh tác của nông thôn, không làm ô nhiễm nguồn nước ngầm của địa phương sản xuất gạch, không có vật liệu xây dựng thừa (đất, đá, cát). Đây cũng là hướng đi cho ngành vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, tạo việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.