Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 09:08 GMT+7

Tin hoạt động

Những thách thức đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng tại doanh nghiệp

25/08/2014

Biết có lợi vẫn “ngại” đầu tư
Theo báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc…, những năm gần đây, các doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến công tác tiết kiệm năng lượng, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực, đầu tư công nghệ... Tuy đã có bước chuyển biến, nhưng số lượng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) có đầu tư cho công nghệ tiết kiệm năng lượng chưa nhiều.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Trưởng bộ phận Điện, Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan cho biết, vốn đầu tư là khó khăn lớn nhất khi thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Năm 2007, Công ty Dệt may Hoàng Thị Loan đã lắp đặt bộ tiết kiệm điện cho máy may; thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng cũ bằng đèn tiết kiệm điện… Hiệu quả tiết kiệm điện là rõ rệt. Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng nhiều thiết bị đã hỏng, cần phải thay mới, nhưng do chi phí thay mới quá đắt nên Công ty đã lại sử dụng những công nghệ cũ…

Một số DNNVV cũng có những chia sẻ như Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Lan, với quy mô sản xuất nhỏ, việc bỏ ra một lúc hàng tỷ đồng để đầu tư các thiết bị tiết kiệm năng lượng là quá khó, nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay. Đó là chưa kể, khi các thiết bị này hỏng hóc, chi phí sữa chữa, thay mới cũng không nhỏ…

Ông Mai Văn Huyên - Trưởng văn phòng đại diện tại Hà Nội - Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM cho biết, thách thức lớn nhất đối với các DNVVN khi tiếp cận các công nghệ tiết kiệm năng lượng là vấn đề tài chính. Dù lợi ích mang lại rõ rệt, nhưng việc đầu tư công nghệ mới cần nguồn vốn ban đầu rất lớn và không phải doanh nghiệp nào cũng dám chi mạnh tay…

Chưa biết cách vay vốn?

“Khó khăn nhất đối với các DNVVN khi thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng là vốn đầu vào quá cao. Đó là chưa kể, khi các thiết bị hỏng hóc, chi phí sửa chữa, thay mới cũng không hề nhỏ. Do đó, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của nhà nước, các tổ chức…”, ông Nguyễn Hoàng Thanh chia sẻ.

Mong muốn của ông Thanh cũng là mong muốn của rất nhiều DNVVN. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ, các doanh nghiệp sẽ thấy rằng, hiện nhà nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng có rất nhiều cơ chế ưu đãi khuyến khích các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ông Mai Văn Huyên cho biết, mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) là một trong những giải pháp hiệu quả đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Theo đó, các ESCO sẽ bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng hoặc các dự án để đầu tư các thiết bị tiết kiệm năng lượng. ESCO cũng có thể tư vấn, đầu tư thiết bị bị tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp và hai bên chia sẻ lợi nhuận sau khi tiết kiệm…

Bên cạnh đó, các ngân hàng Techcombank, Vietinbank, Ngân hàng phát triển Việt Nam (VIDB)... cũng đang triển khai nhiều chương trình ưu đãi dành cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp sản xuất xanh. Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, các Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, các tổ chức quốc tế... cũng có nhiều chương trình, dự án như: Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ); Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Bộ Công Thương); Quỹ đầu tư phát triển sạch Mekong Brahmaputra (Tập đoàn Dragon Capital); Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (nguồn vốn từ Chính phủ Thụy Điển)…

Tiết kiệm năng lượng, sản xuất xanh đang là xu thế của thời đại và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Thách thức lớn nhất về nguồn tài chính đã có phương án tháo gỡ. Các DNVVN cần chủ động, mạnh dạn hơn trong đầu tư công nghệ, giải pháp tiết kiệm năng lượng, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển ngày một “xanh” và bền vững. Nghiên cứu của VEEP (Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả), tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các ngành ở nước ta vẫn còn rất lớn, tính theo ngành thì: Ngành Xi măng khoảng 50%, nông nghiệp 50%, gốm 35%, phát điện than 25%, ngành dệt, may mặc 30%, các tòa nhà thương mại 25%, công nghiệp thép 20%, chế biến thực phẩm 20%...

Nghi Viên