Quảng Ninh: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
22/08/2014
Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động khá ổn định, các doanh nghiệp nội địa vẫn đang nỗ lực từng bước vượt qua khó khăn trong sản xuất nhưng chưa có sự tiến triển mạnh mẽ do sức mua thị trường chưa hoàn toàn hồi phục, chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp bên ngoài, đồng thời lãi suất tín dụng có giảm nhưng việc tiếp cận vẫn khó khăn, trong khi giá cả nguyên vật liệu đầu vào biến động thất thường. Mặc dù vậy giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn đạt trên 17.439 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2013.
Đáng chú ý, giá trị sản xuất công nghiệp ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có bước tăng trưởng rất tốt, tổng giá trị sản xuất đạt trên 3.596 tỷ đồng, tăng trên 80,7% so với cùng kỳ 2013. Tương tự, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp cũng có bước tăng trưởng, nhưng không đồng đều. Cụ thể, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2013. Nguyên nhân là do sản xuất công nghiệp khai khoáng - một ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh đã giảm 2,47% so với cùng kỳ. Than là ngành công nghiệp trọng yếu của cả nước và của tỉnh, có tỷ trọng lớn nhất trong giá trị sản xuất công nghiệp. Do đó, những khó khăn của ngành Than đã ảnh hưởng lớn đến giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Sản xuất than nguyên khai 7 tháng đầu năm đạt 22,1 triệu tấn, đạt 59% kế hoạch năm, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2013. Than tiêu thụ đạt 21,1 triệu tấn, bằng 60% kế hoạch năm và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2013. Bên cạnh đó, sản xuất vật liệu xây dựng tuy có sự khởi sắc hơn so với năm 2013, song vẫn không ổn định, chưa bền vững và trên thực tế các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng vẫn đang rất cần được hỗ trợ của tỉnh và các địa phương... Ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản, dầu thực vật, bia các loại... giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ nội địa vẫn rất chậm bởi trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu. Công nghiệp đóng tàu vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, do tác động sâu từ những hệ lụy “nội tại” trong ngành.
Để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, các doanh nghiệp đều nỗ lực tìm các giải pháp tháo gỡ, nhằm “đứng vững” trên thị trường trong giai đoạn nhiều khó khăn và thách thức này. Tiết giảm chi phí sản xuất, cân đối nguyên liệu đầu vào, không ngừng tìm kiếm thị trường, cân nhắc mở rộng hoạt động sản xuất, huy động vốn đầu tư, đầu tư các dây chuyền công nghệ hiện đại nâng cao chất lượng sản phẩm... là các giải pháp mà các doanh nghiệp đang chủ động thực hiện.
Đơn cử như Nhà máy Xi măng Lam Thạch II, để tiết giảm chi phí sản xuất nhà máy đã nghiên cứu và áp dụng công nghệ sử dụng xít than trong sản xuất xi măng lò quay. Việc áp dụng công nghệ này đã giảm đáng kể lượng than cám và một số phụ gia có giá thành cao phải sử dụng trong quá trình phối liệu. Cùng với đó, nhà máy cũng đã áp dụng thành công một loạt các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong quá trình sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Lắp đặt hệ thống tuần hoàn nước ngọt làm mát bánh tỳ lò, tái sử dụng, tránh lãng phí nước; lắp đặt máng khí động học đảo trộn xi măng… Việc áp dụng thành công những giải pháp công nghệ cũng đã làm giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường cả trong và ngoài nước. Đến nay, sản lượng xuất khẩu chiếm khoảng 70% tổng sản lượng tiêu thụ của nhà máy, trong đó sản phẩm của nhà máy đã tiếp cận được với một số thị trường nước ngoài như: Hàn Quốc, Myanmar, Đức…
Để duy trì nhịp độ phát triển sản xuất công nghiệp, thời gian qua, các ngành, địa phương đã tích cực bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt các thủ tục về thuế, đẩy nhanh giải quyết hàng tồn kho, thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp… Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương cũng đang nỗ lực phối hợp, nghiên cứu, tham mưu đề xuất xây dựng các giải pháp, cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn và phát triển doanh nghiệp trên các lĩnh vực như giá thuê đất, đền bù giải phóng mặt bằng, khai thác khoáng sản, bảo vệ tài nguyên môi trường, bình ổn thị trường, tiêu thụ hàng hoá, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh... Điển hình như đối với các đơn vị ngành Than, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ giải quyết hiệu quả các vấn đề về giảm thuế xuất than; giải quyết hàng tồn kho; điều chỉnh giá bán than cho điện; vấn đề quy hoạch…
Hy vọng với những giải pháp đồng bộ này sẽ sớm tháo gỡ cơ bản những khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Đây cũng chính là cơ sở và nền tảng để hoàn thành kế hoạch năm 2014.
Cao Quỳnh