Gỡ khó cho doanh nghiệp bằng sử dụng năng lượng hiệu quả và hỗ trợ vốn
22/08/2014
Bên cạnh đó, tại một số tỉnh, nhu cầu điện cho nuôi tôm công nghiệp tăng đột biến (tăng hơn 30% so với năm 2013 và cao hơn trong năm 2014). Trong đó, Sóc Trăng là một ví dụ điển hình. Tại đây, nhiều hộ dân đã tự ý sử dụng điện chạy quạt phục vụ nuôi tôm nên xảy ra trình trạng quá tải cục bộ dẫn tới nhiều trường hợp trạm biến áp công cộng quá tải, cháy, nổ, gây mất điện liên tục, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Báo cáo tại Hội thảo cũng cho thấy, phát triển của hai ngành xi măng và thép cũng vượt quy hoạch, cung vượt quá cầu. Với 108 dây chuyền xi măng đang hoạt động, công suất thiết kế khoảng 65 triệu tấn/năm thì năm 2010 cung vượt cầu khoảng 3 triệu tấn và năm 2011 là 7 triệu tấn xi măng dư thừa. Theo quy hoạch ngành xi măng, đến năm 2015 tổng công suất đạt 75 triệu tấn và dư thừa khoảng 10 triệu tấn so với nhu cầu. Ngành thép hiện nay có khoảng hơn 65 dự án sản xuất gang, thép công suất trên 100.000 tấn/năm. Đáng lưu ý, trong số này có đến 32 dự án do các địa phương tự cấp phép nằm ngoài quy hoạch, xi măng thừa nhưng điện thiếu vì sản xuất xi măng rất tốn điện.
“Công suất thép xây dựng dư thừa tới 1,5- 2 lần so với nhu cầu của xã hội. Tổng công suất cả nước hiện lên tới hơn 20 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu chỉ ở mức 11,5 triệu tấn” – Phó Tổng giám đốc EVN viện dẫn con số của Hiệp hội thép Việt Nam.
“Đa số các DN sản xuất thép và xi măng ở nước ta có quy mô công suất nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, hầu hết là nhập khẩu từ Trung Quốc, không thân thiện với môi trường… Hiện nay tiêu thụ điện bình quân để sản xuất ra một tấn sản phẩm cao hơn so với các nước trên thế giới (17% cao hơn đối với sản xuất xi măng và 57% cao hơn đối với sản xuất thép)” – ông Lộc nói.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ cho biết: Việc thực hiện chủ trương sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nhận thức của cộng đồng và DN còn hạn chế. DN không có vốn hoặc không tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án tiết kiệm năng lượng… Mặt khác do các khó khăn về tài chính nên các DN dừng triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng như ngành thép và xi măng.
Ưu đãi vay vốn
Và để tháo gỡ những vướng mắc trên, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng: Nhà nước cần có cơ chế chính sách, hỗ trợ vốn hơn nữa cho DN. Cụ thể là không phải dừng lại ở mức trần hỗ trợ 5 tỷ đồng cho 1 DN như hiện nay mà trên cơ sở đề xuất của các đơn vị cần vốn để đổi mới công nghệ, đổi mới thiết bị để sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cho vay với gói tín dụng ưu đãi đáp ứng nhu cầu của DN. Gói ưu đãi này có thể lên tới hàng chục, hàng trăm tỉ đồng.
“Cần phải có những chính sách hỗ trợ như, miễn giảm thuế nhập khẩu cho các dây chuyền công nghệ, các thiết bị tiết kiệm năng lượng. Giảm thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân cho những cơ sở và hộ tiêu dùng có kết quả tiết kiệm năng lượng tốt. Xây dựng định mức đối với các DN, các nhà máy, các hộ tiêu thụ khác về sử dụng năng lượng. Hàng năm cần phải có kiểm toán đặc biệt đối với các hộ sử dụng năng lượng lớn để đánh giá được kết quả thực hiện và đi đôi với việc thưởng, phạt nghiêm minh” – ông Ngãi đề xuất.
Cũng theo ông Ngãi, cần có chủ trương để các DN, các nhà máy sản xuất 3 ca (đặc biệt là ca 3 từ 10h đêm đến 6 giờ sáng). Tránh căng thẳng việc sử dụng năng lượng vào các giờ cao điểm. Bên cạnh đó, tăng cường khai thác sử dụng các dạng năng lượng khác như Bioga trong chăn nuôi nông nghiệp, cần xây dựng nhà tiết kiệm năng lượng đối với ngành xây dựng, cần thay thế những xe, máy tiêu hao nhiều năng lượng trong ngành giao thông.
Ngọc Thọ