Ngành may Việt Nam đã phát triển trong những năm gần đây và đang dần chuyển sang sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, trong đó 60% nguyên liệu được sử dụng là len và pha len. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp, công ty tư nhân, các thương hiệu thời trang nhỏ lẻ trong nước hiện đang phải sử dụng nguồn nguyên liệu vải len, pha len nhập khẩu, do nguồn cung trong nước không đáp ứng được yêu cầu. Tiền thân là một doanh nghiệp chuyên sản xuất áo len xuất khẩu cho các nước Đông Âu như: Nga, Tiệp Khắc, Ba Lan…; trước một thị trường tiêu thụ rộng lớn và xuất phát từ nhu cầu của thị trường, năm 2008, Công ty Thủy Bình đã thành lập nhà máy sản xuất len sợi trực tiếp để không phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Hiện nay sản phẩm len sợi của Công ty Thủy Bình sản xuất ra đã chiếm đến 45% thị phần cả nước. Đầu năm 2014, Công ty đã đầu tư để nâng cấp máy nhuộm theo công nghệ mới, giúp gia tăng tối đa độ bền màu, thân thiện với môi trường và không gây độc hại. Sau khi khảo sát quá trình đầu tư của đơn vị, IPC 1 đã tiến hành lập đề án để trình Cục Công nghiệp địa phương và Bộ Công Thương xem xét hỗ trợ Công ty kinh phí xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sợi len xuất khẩu từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2014. Trong quá trình triển khai mô hình này, luôn có sự đồng hành của IPC 1, từ khâu xây dựng đề án, tư vấn về đầu tư máy móc thiết bị, nhà xưởng đến hỗ trợ về kinh phí… Tính đến nay, đây là mô hình tiên tiến sản xuất ra sản phẩm mới và là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh Nam Định và các tỉnh lân cận sản xuất ra sợi len xuất khẩu. Nhà máy đi vào hoạt động sẽ thu hút và tạo việc làm ổn định cho 120 lao động trên địa bàn với mức thu nhập bình quân từ 3 triệu đến 3.5 triệu đồng/người/tháng.
Từ thành công của mô hình này, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 đã tổ chức Hội nghị mô hình trình diễn kỹ thuật, với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất len sợi, may mặc. Mục tiêu là giới thiệu, nhân rộng mô hình này tới các doanh nghiệp khác, không chỉ trên địa bàn tỉnh Nam Định mà còn ở khắp các địa phương trên cả nước.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc Công ty CP Thủy Bình cho biết: “Mặc dù nguồn hỗ trợ kinh phí khuyến công là không nhiều, 250 triệu đồng so với tổng kinh phí đầu tư 45 tỷ đồng của đơn vị, nhưng chính điều đó đã đem lại một cú hích, một nguồn động viên rất lớn cho sự đổi mới của doanh nghiệp và là động lực thúc đẩy để Công ty Thủy Bình ngày càng phát triển hơn nữa. Mong rằng nguồn hỗ trợ khuyến công này ngày càng được nhiều hơn và đồng hành với doanh nghiệp để doanh nghiệp phát triển hơn nữa, để có thể khai thác những thế mạnh về khoa học công nghệ trong sản xuất”.
Ngành sản xuất len của Nam Định nói riêng và cả nước nói chung trong những năm qua gặp rất nhiều khó khăn, do thị trường, do công nghệ và do biến động của khu vực và thế giới. Từ việc triển khai mô hình trình diễn lần này, từ những hiệu quả đầu tư của dự án cũng như khả năng thích ứng với công nghệ mới, Sở Công Thương tỉnh Nam Định và Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 kỳ vọng trong tương lai các doanh nghiệp sản xuất len, sợi cũng sẽ có đầy đủ điều kiện để đầu tư và áp dụng.
“Bản thân nhu cầu về ngành dệt may nói chung và len sợi nói riêng thì thị trường tiêu thụ là rất lớn. Việc nhân rộng mô hình này không khó vì khâu quyết định là thị trường tiêu thụ. Thứ hai là về công nghệ, với mức đầu tư và trang thiết bị hiện đại của Công ty Thủy Bình thì các công ty nhỏ và vừa khác có thể đầu tư được”, Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp I, Cục Công nghiệp địa phương khẳng định.
Hiện nay nguồn nguyên liệu len sợi dùng cho sản xuất hàng may mặc chủ yếu được nhập khẩu từ Úc, Ấn Độ, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Sản xuất trong nước chỉ chiếm một tỷ lệ thấp. Tìm nguồn cung ứng nguyên phụ liệu ngành may mặc là vấn đề quyết định then chốt cho sự phát triển của các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Hơn nữa, trong thời gian tới khi Việt Nam ký kết Hiệp định TPP, để có thể hưởng mức ưu đãi miễn giảm thuế đến 0% thì yêu cầu cấp bách hiện nay là phải tăng cường đầu tư vào các ngành kéo sợi, dệt nhuộm để có thể thỏa mãn quy tắc xuất xứ từ sợi do Hiệp định TPP đề ra.