Hiện nay, làn sóng dịch chuyển đầu tư và thương mại dệt may từ các khu vực Trung Mỹ, Nam Mỹ, Nam Phi, Đông Âu, Nam Tây Âu… sang các nước sản xuất dệt may châu Á khá rõ nét. Tuy nhiên, tình hình cạnh tranh giữa các nước châu Á cũng rất khốc liệt. Thêm vào đó các rào cản kỹ thuật về lao động, môi trường, chống bán phá giá... từ các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, Tây Âu mỗi ngày một thêm phức tạp. Hiện nay phần lớn các doanh nghiệp dệt may trong nước cũng đã ý thức được tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin, bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chú ý chương trình sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Phần lớn các doanh nghiệp dệt may đều có trang web, giao dịch qua e-mail, áp dụng các phần mềm quản lý và phần mềm nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thiết kế và sản xuất sản phẩm.
Để đạt mục tiêu phát triển bền vững, lấy xuất khẩu làm trọng tâm, ngành dệt may nỗ lực nghiên cứu áp dụng các công nghệ, nguyên liệu mới để tạo ra các sản phẩm dệt có tính năng khác biệt. Áp dụng các phần mềm trong thiết kế, quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm dệt may.
Chẳng hạn, Trước đây, trong ngành nhuộm vải khách phải đem mẫu tới cho nhuộm thử, doanh nghiệp gửi trả mẫu khách duyệt mới tiến hành làm đại trà. Quy trình này chiếm hết cả tuần. Giờ nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, doanh nghiệp có thể làm việc với khách hàng qua mạng và nhuộm thử mẫu trên máy, khách đồng ý là có thể tiến hành sản xuất.
Bên cạnh đó, các chương trình sản xuất tiết kiệm năng lượng giúp doanh nghiệp tập trung hơn vào năng suất, chất lượng sản phẩm. Là một trong những doanh nghiệp ngành dệt may tiên phong đầu tư, sử dụng những sản phẩm công nghệ thân thiện với môi trường, Tổng công ty CP dệt may Hà Nội (Hanosimex) đã đầu tư gần 223,5 triệu đồng lắp đặt thiết bị tiết kiệm điện cho máy may 3S. Ưu điểm của thiết bị này giúp giảm công suất động cơ lúc hoạt động không tải, đồng thời động cơ luôn hoạt động trong tình trạng tối ưu, hiệu suất cao và tiết kiệm điện trong suốt quá trình thấp tải.
Tương tự, Công ty May Tiên Hưng (Hưng Yên) đã lắp đặt 2 bơm nhiệt để thay thế lò hơi; sử dụng 35 đèn LED thay thế đèn compact; lắp đặt biến tần cho hệ thống bơm… Các thiết bị này đã giúp công ty tiết giảm được 177,6 triệu đồng/năm chi phí năng lượng.
Hai công ty nói trên chỉ là hai trong nhiều công ty áp dụng chương trình sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, nhờ đó mà công ty hoạt động trong tình trạng tối ưu, đạt hiệu suất và năng suất, chất lượng cao.
Việc đầu tư cho các sản phẩm công nghệ thân thiện với môi trường không phải lúc nào cũng đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian đầu tư dài nhưng lợi ích mang lại vô cùng lớn. Lợi ích này không chỉ đơn thuần giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong sản xuất, mà còn chung tay góp phần hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của ngành dệt may.