Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:25 GMT+7

Tin hoạt động

Khuyến công khu vực phía Bắc: Băn khoăn vấn đề chính sách

30/10/2015

Tỷ lệ giải ngân thấp

Theo báo cáo của Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương), tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2015 được duyệt của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc trên 112,812 tỷ đồng, tăng 6,11% so với kế hoạch năm 2014. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 9/2015, tiến độ thực hiện của một số nội dung còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp. Cụ thể, tỷ lệ giải ngân của Chương trình cung cấp thông tin về chính sách khuyến công đạt 30,51%; Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đạt 34% kế hoạch.

Một số nội dung được các địa phương tập trung triển khai, tỷ lệ giải ngân cao hơn nhưng cũng không quá 50% kế hoạch năm, như: Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật đạt 46,06%; Chương trình nâng cao năng lực quản lý đạt 49,15% kế hoạch...

Theo ông Trần Văn Cường- Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên, nguyên nhân dẫn đến hiện trạng trên do việc xác định những ngành nghề, sản phẩm tập trung hỗ trợ tại các địa phương chưa rõ nét, các đề án không đúng nội dung chương trình, chất lượng đề án chưa cao. Tại một số địa phương, cơ chế cấp phát, quản lý, quyết toán kinh phí còn phức tạp và chưa thống nhất. Hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách khuyến công cũng chưa đa dạng, nhiều đối tượng thụ hưởng chưa kết nối được thông tin…

Ông Vũ Xuân Khải - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình - cho biết, nguồn kinh phí của khuyến công còn hạn chế, định mức hỗ trợ tại một số nội dung thấp, thiếu hấp dẫn gây khó khăn cho quá trình triển khai.

Vướng vì chính sách

Theo phản ánh của nhiều địa phương, sự bất cập của một số chính sách khiến các địa phương lúng túng và gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai công tác khuyến công.

Ông Hoàng Xuân Phong- Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công- Tiết kiệm năng lượng tỉnh Thanh Hóa - cho hay: Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020 đã phê duyệt. Tuy nhiên, trong tổng số 21 chương trình được hỗ trợ theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg về nguyên tắc, tiêu chí và phân bổ vốn ngân sách giai đoạn 2016- 2020, thì đến năm 2020 không có chương trình khuyến công. “Chúng tôi rất băn khoăn, liệu quyết định số 1288 còn được triển khai và các địa phương có được hưởng hỗ trợ từ kinh phí khuyến công quốc gia nữa hay không”- ông Phong lo lắng.

Ngoài ra, trong lĩnh vực công thương, chính sách hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp không nhiều. Tại Thanh Hóa, hàng năm có khoảng 3 tỷ đồng hỗ trợ cho khuyến công, trong khi đó mức hỗ trợ cho nông nghiệp cao gấp vài chục lần.

Ông Nguyễn Khắc Quyền- Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Giang - cho biết: Tại Hà Giang, đề án hỗ trợ cho cơ sở có giá trị 30 - 40 triệu đồng nhưng chi phí đi lại nhiều hơn cả vốn hỗ trợ. Điều đáng nói là, sau khi triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát, xảy ra vấn đề đó là nhiều đề án giải ngân xong nhưng không còn hoạt động nữa. “Vì vậy, cần có cơ chế kiểm soát đề án sau khi thực hiện để nguồn vốn khuyến công hỗ trợ thực sự đem lại hiệu quả” - ông Quyền nói.

Để khắc phục những vướng mắc trên, đồng thời thực hiện trọn vẹn kế hoạch năm 2015, ông Nguyễn Hồng Phong- Phó Cục trưởng Cục công nghiệp địa phương - nhấn mạnh: Các Sở Công Thương cần tăng cường công tác hướng dẫn, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các đề án đang triển khai, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, hỗ trợ đúng mục đích; nghiên cứu cải cách thủ tục hành chính trong xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, thanh quyết toán nhằm giảm thiểu vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

 Ông Nguyễn Hồng Phong - Phó Cục trưởng Cục công nghiệp địa phương:

Các địa phương trong khu vực phía Bắc cần quan tâm xây dựng các chương trình, đề án khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm với nguồn kinh phí đủ lớn nhằm tạo sự chuyển biến cho ngành công nghiệp nông thôn.