Áp dụng thành công dự án LeanVới định hướng phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo máy bằng con người và trí tuệ Việt Nam, từ năm 2010, CNC-VINA đã chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế như Jica (Nhật Bản) trong các lĩnh vực đào tạo quản lý sản xuất, cải tiến kỹ thuật, triển khai áp dụng 5S… Tháng 10/2012, CNC-VINA tiếp tục đăng ký tham gia mô hình thử nghiệm áp dụng sản xuất tinh gọn Lean do chuyên gia tư vấn thuộc Viện năng suất Việt Nam thực hiện.
Cùng với sự trợ giúp của chuyên gia Trung tâm Năng suất Việt Nam, ban lãnh đạo và nhóm tham gia dự án điểm đã phân tích điểm mạnh - điểm yếu - cơ hội - thách thức (phương pháp SWOT) và xác định 3 dự án điểm: Tăng tỷ lệ dự án thiết kế cơ đúng tiến độ; tăng tỷ lệ đơn hàng hoàn thành đúng tiến độ tại lắp ráp cơ và lắp ráp điện; giảm tỷ lệ tồn kho vật tư chung so với tổng tồn kho.
Sau 8 tháng triển khai, kết quả: Đã tăng tỷ lệ dự án thiết kế đúng tiến độ lên 50% (trước cải tiến là 31%), tiết kiệm chi phí cơ bản khoảng 105,6 triệu đồng mỗi năm; tỷ lệ đơn hàng hoàn thành đúng tiến độ tăng từ 22 - 64% tại xưởng lắp ráp cơ và từ 11 - 55% tại xưởng lắp ráp điện, tiết kiệm được trên 39 triệu đồng trong giai đoạn 4-5 tháng áp dụng; tỷ lệ tồn kho vật tư chung giảm từ 60 xuống 40% so với tổng kho, tiết kiệm khoảng 300 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, còn loại bỏ rất nhiều lãng phí do lưu trữ dư thừa, nhầm lẫn kiểm kê, thao tác sai…
Ngoài những chi phí tiết kiệm, lợi ích kinh tế, lợi nhuận trực tiếp, việc áp dụng thành công dự án Lean còn thay đổi nhận thức tư duy trong cách nghĩ, cách làm của nhiều cán bộ, công nhân viên, giúp họ nắm được kỹ năng giải quyết các vấn đề, kỹ năng làm việc theo nhóm và sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ phận trong công ty, nâng cao năng lực sản xuất, tạo tiền đề cho việc nhân rộng các dự án Lean khác tại công ty trong thời gian tới.
Và bài học kinh nghiệmTừ sự thành công CNC-VINA, mô hình sản xuất tinh gọn Lean đem lại nhiều bài học thực tiễn. Dự án Lean cần được thấu hiểu từ lãnh đạo công ty. lãnh đạo cam kết và cung cấp nguồn lực cần thiết để thực hiện dự án; việc hiểu rõ lợi ích và phổ biến đến toàn thể cán bộ, nhân viên giúp cho quá trình thực hiện trôi chảy và hợp tác nhiệt tình trong suốt thời gian triển khai; khi bắt đầu dự án Lean thì cần đáp ứng 4D: Dễ thấy (vấn đề), dễ lấy (số liệu), dễ tìm (nguyên nhân), dễ nhìn thấy (kết quả) để tạo tiền đề nhân rộng cho các dự án sau.
Trong quá trình thực hiện dự án, việc quản lý dự án đúng thời gian và lộ trình đề ra rất quan trọng. Do đó, chuyên gia tư vấn cần có kỹ năng thúc đẩy và lựa chọn đúng thời điểm. Ngoài sự nỗ lực từ phía chuyên gia thì sự tham gia và thúc đẩy bởi lãnh đạo công ty là yếu tố chính.
Một trong các yếu tố dẫn đến thành công của dự án, phải kể đến sự mềm dẻo, kiên trì, nỗ lực của chuyên gia tư vấn. Đây cũng là một trong các kỹ năng mềm cần thiết đối với chuyên gia.
Theo lãnh đạo CNC-VINA, việc áp dụng Lean là áp dụng tư duy đổi mới, cần dựa trên nền tảng văn hóa doanh nghiệp, ý thức của cán bộ, nhân viên. Qua thực hiện dự án Lean, dù thành công mới là bước đầu nhưng cho thấy, chỉ cần doanh nghiệp dám nghĩ dám làm, sẵn sàng thay đổi thì dự án Lean sẽ được nhân rộng và áp dụng thành công rộng rãi hơn nữa. |