Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 13:06 GMT+7

Tin hoạt động

Ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường: Giải pháp chung của Chính phủ và doanh nghiệp

27/09/2017

Để hướng nền công nghiệp nước ta từ con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau” - kinh tế nâu sang xây dựng nền kinh tế xanh, việc tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường là yêu cầu bức thiết đối với Chính phủ. Mặt khác, các DN cũng cần chủ động hơn trong việc đổi mới và chuyển giao những công nghệ này.
 
Theo đó, ngày 22/5 tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã có buổi trao đổi với 46 DN tiêu biểu đã tích cực đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ thân thiện với môi trường vào sản xuất, kinh doanh; đồng thời biểu dương các sáng kiến trong lĩnh vực này của các DN tại chương trình “Doanh nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường vì mục tiêu tăng trưởng bền vững quốc gia” năm 2017.
 
Chương trình được tổ chức nhằm mục đích khuyến khích ngày càng nhiều DN chủ động ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường và tạo điều kiện trao đổi trực tiếp, đưa ra các đề xuất của DN tới Chính phủ.
 
Ngày 23/5, các doanh nghiệp đã có buổi tiếp kiến Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Tại buổi gặp mặt này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh “Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề không thể coi nhẹ, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, ổn định xã hội, ảnh hưởng đến sản xuất, tăng trưởng của nền kinh tế. Do đó, ứng dụng công nghệ để bảo vệ môi trường phải được xác định là trách nhiệm của mỗi DN, mỗi người dân”. 
 
Tiếp lời Phó Thủ tướng, đại diện các DN cho rằng, việc ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế xanh là tất yếu. Đại diện DN đánh giá cao những chính sách, cơ chế của Chính phủ và các Bộ, ngành nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế xanh.
 
Mặt khác, các đại diện DN cũng mong muốn Chính phủ có các quy định cụ thể về phát triển kinh tế xanh, đưa ra những tiêu chuẩn cao về môi trường để doanh nghiệp có lộ trình triển khai thực hiện. Cùng với đó, cần có các quy định về thủ tục, hồ sơ, tiêu chí đấu thầu để khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ; kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh một số chính sách liên quan đến sử dụng đất đai cho sản xuất nông nghiệp; chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ; kiến nghị Nhà nước cần có quy hoạch, định hướng phát triển ngành nghề, hỗ trợ DN mở rộng, phát triển thị trường.
 
Chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn khá thấp so với nhiều nước trên thế giới. Tỷ lệ chi phí của nước ta chỉ ở mức dưới 0,3% doanh thu trong khi tại Ấn Độ tỷ lệ này là 5%, Hàn Quốc là 10%, Nhật Bản là 50%. Là một nước đang phát triển, tình trạng ô nhiêm môi trường tại Việt Nam đặt ra yêu cầu bức thiết về việc xây dựng một nền kinh tế xanh với công nghệ hiện đại, hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. 
 
Thực tế cho thấy, việc thúc đẩy chuyển đổi sang nền “kinh tế xanh” tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững và giảm đói nghèo với tốc độ nhanh chóng đối với tất cả các quốc gia. Riêng đối với các nước đang phát triển, “kinh tế xanh” còn tạo đà cho một bước nhảy vọt để phát triển kinh tế mà không theo con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau” - kinh tế nâu. Tuy nhiên, các DN và Chính phủ cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. 
 
Văn phòng CPSI