Các giải pháp SXSH
Giải pháp SXSH gồm giảm chất thải tại nguồn, về cơ bản, ý tưởng của
SXSH là tìm hiểu tận gốc của ô nhiễm bằng quá trình Quản lý nội vi nhằm
kiểm soát quá trình sản xuất của DN. Quản lý nội vi là một loại giải
pháp đơn giản nhất của SXSH. Quản lý nội vi không đòi hỏi chi phí đầu
tư và có thể được thực hiện ngay sau khi xác định được các giải pháp,
các ví dụ của quản lý nội vi có thể là khắc phục các điểm rò rỉ, đóng
van nước hay tắt thiết bị khi không sử dụng dể tránh tổn thất. Mặc dù
quản lý nội vi là đơn giản nhưng vẫn cần có sự quan tâm của ban lãnh
đạo cũng như việc đào tạo nhân viên. Đây là giải pháp nhằm kiểm soát
quá trình tốt hơn, để bảo đảm các điều kiện sản xuất được tối ưu hoá về
mặt tiêu thụ nguyên liệu, sản xuất và phát sinh chất thải. Đối với giải
pháp này, các thông số của quá trình sản xuất như nhiệt độ, thời gian,
áp suất, pH, tốc dộ... cần được giám sát và duy trì càng gần với điều
kiện tối ưu càng tốt. Cũng như với quản lý nội vi, việc kiểm soát quá
trình tốt hơn, đòi hỏi các quan tâm của ban lãnh đạo cũng như việc giám
sát ngày một hoàn chỉnh hơn.
Sau giải pháp quản lý nội vi, giải pháp thay đổi nguyên liệu cũng được
các chuyên gia nhấn mạnh. Đây là việc thay thế các nguyên liệu đang sử
dụng bằng các nguyên liệu khác thân thiện với môi trường hơn. Thay đổi
nguyên liệu còn có thể là việc mua nguyên liệu có chất lượng tốt hơn để
đạt được hiệu suất sử dụng cao hơn. Thông thường lượng nguyên liệu sử
dụng, chất lượng của nguyên liệu và sản phẩm có mối quan hệ trực tiếp
với nhau.
Giải pháp quan trọng không kém là cải tiến thiết bị là việc thay đổi
thiết bị đã có để nguyên liệu tổn thất ít hơn. Việc cải tiến thiết bị
có thể là điều chỉnh tốc độ máy, là tối ưu kích thước kho chứa, là việc
bảo ôn bề mặt nóng, lạnh, hoặc thiết kế cải thiện các bộ phận cần thiết
trong thiết bị. Một ví dụ của mạ điện là lắp đặt cẩu vớt để thu hồi
phần rơi vãi từ các chi tiết được mạ. Công nghệ sản xuất mới là việc
lắp đặt các thiết bị hiện đại và có hiệu quả hơn, ví dụ như lắp đặt nồi
hơi hiệu suất cao hơn hay lắp đặt máy nhuộm Jet sử dụng dung tỷ thấp
hơn. Giải pháp này yêu cầu chi phí dầu tư cao hơn các giải pháp sản
xuất sạch khác, do đó cần phải được nghiên cứu cẩn thận. Mặc dù vậy,
tiềm năng tiết kiệm và cải thiện chất lượng có thể cao hơn so với các
giải pháp khác.
Giải pháp tuần hoàn cũng được xem là một giải pháp hay. Các loại dòng
thải không thể tránh được trong khu vực sản xuất hoặc bán ra như một
loại sản phẩm phụ, hoặc được tận thu và tái sử dụng tại chỗ là việc thu
thập “chất thải” và sử dụng lại cho quá trình sản xuất. Một ví dụ đơn
giản của giải pháp này là sử dụng lại nước giặt từ một quá trình cho
quá trình giặt khác. Tạo ra các sản phẩm phụ là việc thu thập (và xử
lý) “các dòng thải” để có thể trở thành một sản phẩm mới hoặc bán ra
cho các cơ sở sản xuất khác. Lượng men bia dư thừa có thể dược sử dụng
làm thức ăn cho lợn, cho cá hay làm các chất dộn thực phẩm.
Và giải pháp cuối cùng cũng là giải pháp cơ bản của SXSH là: thay đổi
sản phẩm, cải thiện chất lượng sản phẩm để làm giảm ô nhiễm. Thay đổi
sản phẩm là việc xem xét lại sản phẩm và các yêu cầu đối với sản phẩm
đó. Cải thiện, thiết kế sản phẩm có thể đem lại tiết kiệm về tiêu thụ
nguyên liệu và lượng hoá chất độc hại sử dụng.
Trong thực tế, các nền công nghiệp hiện đại trên thế giới đều đã thực
hiện thành công các giải pháp SXSH, để đạt các tiêu chí của sự phát
triển bền vững.
Và việc ứng dụng giải pháp SXSH ở Bình Dương
Đến nay, tỉnh Bình Dương có khoảng 13.000 DN trong nước đăng ký kinh
doanh và 2.000 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Số lượng DN thuộc các thành
phần kinh tế có khuynh hướng tăng qua các năm. Tuy nhiên, việc áp dụng
SXSH vẫn còn hạn chế, một số cơ sở, DN tuy có triển khai SXSH nhưng
chưa đồng bộ, vì vậy hiệu quả mang lại chưa cao. Theo khảo sát một số
DN trên địa bàn tỉnh thì tiềm năng áp dụng SXSH trong các DN còn rất
lớn, có thể tiết kiệm được các nguyên liệu, nhiên liệu, nước, hóa
chất,… đặc biệt có thể tiết kiệm đến 25% năng lượng trong quá trình sản
xuất. Tuy nhiên, hiện các DN chỉ mới chú trọng tới giải pháp xử lý môi
trường của các chất thải cuối nguồn (xử lý cuối đường ống) mà chưa quan
tâm sâu tới việc phòng ngừa, ứng phó sự cố về môi trường vào các quá
trình sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu rủi ro cho
con người và môi trường.
Để thực hiện có hiệu quả nội dung của Chiến lược quốc gia về SXSH
trong công nghiệp đến năm 2020, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành
kế hoạch SXSH trong công nghiệp giai đoạn 2012 – 2015 ở Bình Dương,
theo kế hoạch này, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Công thương, Sở
Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài
nguyên & Môi trường, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Ban Quản lý
Khu công nghiệp VSIP, báo, đài, UBND các huyện, thị xã, các DN sản xuất
công nghiệp, tổ chức tuyên truyền sâu rộng về SXSH đến tổ chức, cơ quan
và DN nhằm nắm được lợi ích của việc SXSH, từ đó nâng cao ý thức, trách
nhiệm trong việc áp dụng SXSH. UBND tỉnh cũng giao các ngành nhiệm vụ
đào tạo, tập huấn về SXSH cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của các
cơ quan cấp tỉnh, huyện, thị xã và DN về công tác SXSH, để triển khai
sâu rộng trên toàn địa bàn. Tỉnh cũng giao các ngành xây dựng các đề
tài, dự án về quản lý, áp dụng SXSH trong công nghiệp trên địa bàn
tỉnh, hướng dẫn, hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng và cải tiến công nghệ nhằm
phục vụ SXSH trong công nghiệp. Xây dựng, phổ biến các cơ sở dữ liệu
theo ngành về suất tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng trên
đơn vị sản phẩm nhằm triển khai, áp dụng SXSH trong công nghiệp. Xây
dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia SXSH cho các tổ chức tư vấn và đội
ngũ cán bộ kỹ thuật về SXSH cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Hỗ trợ
xây dựng mô hình thí điểm, nhân rộng các mô hình áp dụng SXSH trong
công nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Hỗ trợ một phần kinh
phí cho các dự án áp dụng SXSH như đầu tư thay đổi, cải tiến dây chuyền
công nghệ…
Với việc triển khai kế hoạch SXSH trên địa bàn, đến nay, việc áp dụng
SXSH trong các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh bắt đầu có
sự chuyển biến tích cực. Một số DN đã nhận thức được lợi ích của việc
áp dụng SXSH và đã từng bước cải tiến quản lý, đầu tư đổi mới công
nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng nguyên liệu
thay thế phát sinh ít chất thải... góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất
và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.