Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng nền kinh tế xanh vào sản xuất, thời gian qua một số doanh nghiệp ở các khu công nghiệp (KCN) Quảng Ngãi đã có sự chuyển hướng đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch hơn bằng cách thay đổi nhiên liệu, nguyên liệu sản xuất. Qua đó đã cho thấy hiệu quả của kinh tế xanh mang lại cho các doanh nghiệp vừa góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh vừa bảo vệ môi trường sản xuất cho đơn vị.
Thực tế cho thấy rằng giá cả vật tư, nguyên nhiên liệu và các yếu tố đầu vào khác của sản xuất công nghiệp đều tăng cao đã gây khó khăn cho không ít doanh nghiệp trong tỉnh. Vì thế, việc tìm nguồn nguyên liệu đầu vào có giá thành thấp nhằm giảm chi phí, trong đó ưu tiên những nguồn nguyên liệu có tại địa phương là vấn đề cần quan tâm hàng đầu của mỗi doanh nghiệp. Một trong những đơn vị tiên phong trong các doanh nghiệp ở các KCN Quảng Ngãi áp dụng kinh tế xanh phải kể đến là Nhà máy phân bón Hưng Định ở KCN Tịnh Phong. Nhà máy đã áp dụng công nghệ “Cộng sinh công nghiệp” vào quá trình sản xuất bằng việc sử dụng nguyên liệu đầu vào là chất phế thải của các nhà máy công nghiệp khác để sản xuất phân hữu cơ sinh học. Cụ thể, dùng nguyên liệu đầu vào là mùn mía; tro của các nhà máy có sấy hoặc tạo hơi bằng nguyên liệu trấu, mùn cưa; tro từ nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol; bã đậu phụng từ ép dầu, xác bia, xác mì... Các nguyên liệu này chiếm đến 80% lượng nguyên liệu đầu vào của nhà máy, 20% còn lại là phân hóa học DAP, Kali, Ure. “Các nguyên liệu này khá dồi dào, giá thành rẻ, có thể mua tro từ đốt dăm bào, mùn cưa để tạo hơi hay tro trấu của các cơ sở sản xuất bánh tráng, mùn cưa từ các cơ sở chế biến gỗ...” ông Nguyễn Minh Tăng, Giám đốc nhà máy cho biết. ứng dụng công nghệ này bước đầu chưa cho thấy hiệu quả kinh tế rõ nét mang lại cho nhà máy mà cần có sự đầu tư hơn nữa trong thời gian đến nhưng lại cho thấy lợi ích môi trường, đó là tận dụng các chất phế thải để làm nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất, bởi nếu không thu mua để tái sử dụng thì những chất thải này sẽ gây ô nhiễm cho môi trường.
Hay như Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi ở KCN Quảng Phú đã áp dụng chuyển đổi nhiên liệu đốt là dầu FO, than đá bằng nhiên liệu rắn là mùn cưa, bã mía, trấu vào sản xuất từ năm 2006 đến nay cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhờ đó, đã giúp cho công ty giải quyết phế thải dư thừa của các nhà máy, giảm giá thành sản phẩm, giảm lưu lượng các chất khí gây hiệu ứng nhà kính. Hơn thế nữa, việc sử dụng nhiên liệu này đã giúp công ty tiết kiệm được 70% chi phí nhiên liệu, so với sử dụng dầu FO thì một năm tiết kiệm được khoảng từ 50 - 60 tỷ đồng.
Còn ở Nhà máy Bia Sài Gòn Quảng Ngãi, KCN Quảng Phú cũng đã thực hiện việc đổi nhiên liệu đốt đầu vào là dầu FO bằng nhiên liệu sinh khối Biomass và cho thấy hiệu quả sản xuất vượt trội. Đây là viên nhiên liệu thành phẩm được tạo ra từ những sản phẩm dư thừa trong quá trình chế biến nông, lâm sản, có ưu điểm là làm giảm khả năng phát thải khí CO2, SO2, hữu ích cho môi trường so với dầu FO được sử dụng. Việc chuyển đổi này đã giúp nhà máy tiết kiệm được khoảng 40% chi phí nhiên liệu. Theo tính toán của chủ doanh nghiệp, nếu nhà máy hoạt động hết công suất thì một năm có thể tiết kiệm được trên 10 tỷ đồng cho chi phí nhiên liệu để cung cấp hơi. Bên cạnh đó, công ty đã đầu tư hơn 35 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải và hệ thống lò hơi dùng nhiên liệu sinh khối Biomass; đồng thời hoàn thành việc áp dụng hệ thống quản lý tích hợp về chất lượng và môi trường phù hợp theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2008 và ISO 14001:2010. Đến cuối năm nay sẽ hoàn thành hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo TCVN ISO 22000:2007.
Trong lĩnh vực xây dựng, Công ty cổ phần Bao bì Việt Phú, KCN Quảng Phú đã ứng dụng công nghệ sản xuất gạch không nung. Thành phần chủ yếu của loại gạch này là 80% đá bụi bỏ đi, không sử dụng nữa được tận dụng; còn lại là xi măng, cát. Vì thế so với gạch đất sét nung thì gạch này cho hiệu quả sản xuất cao hơn, giảm 35% giá thành sản phẩm. Với hiệu quả ban đầu về kinh tế cũng như môi trường mang lại, định hướng của công ty thời gian đến sẽ xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung ở KCN Tịnh Phong.
Đánh giá về hiệu quả của kinh tế xanh mang lại cho các doanh nghiệp tại Quảng Ngãi, ông Đỗ Kỳ Trắng, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường, Ban Quản lý KCN Quảng Ngãi cho biết: Một số doanh nghiệp ở hai KCN Tịnh Phong và Quảng Phú đã áp dụng kinh tế xanh vào quá trình sản xuất, kinh doanh và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực như ở Nhà máy Bia Sài Gòn hay Công ty CP Đường Quảng Ngãi… Nhưng việc áp dụng kinh tế xanh không chỉ đơn thuần mang lại lợi ích kinh tế trước mắt mà về lâu dài, nó sẽ là chìa khóa để các doanh nghiệp “thâm nhập” vào thị trường và đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Có thể thấy rằng việc áp dụng kinh tế xanh bước đầu đã mang lại hiệu quả sản xuất cũng như lợi ích môi trường cho các doanh nghiệp ở Quảng Ngãi. Vì vậy, trong tương lai gần, đây sẽ là mô hình sản xuất góp phần định hướng phát triển bền vững cho các doanh nghiệp của tỉnh.