Bàn về thực trạng đổi mới công nghệ hướng tới phát triển xanh của doanh nghiệp hiện nay, PGS.TS Phạm Văn Lợi - Viện Khoa học môi trường - Tổng Cục Môi trường cho rằng, tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam còn diễn ra chậm chạp, chưa thực sự được chú trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu nằm ở nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế do phải đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh, chi phí đầu tư cho công nghệ lớn hơn rất nhiều chi phí đầu tư cho sản xuất thông thường nên doanh nghiệp thiếu vốn để đầu tư đồng bộ; thiếu thông tin về các công nghệ mới trên thị trường. Ngoài ra còn một nguyên nhân nữa đó là cơ chế chính sách liên quan đến đổi mới công nghệ hướng tới phát triển xanh chưa hình thành đồng bộ, thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển, chính sách ban hành chưa hiệu quả và còn nhiều bất cập.
Để doanh nghiệp nhận thức đầy đủ về sản xuất sạch hơn, về phát triển xanh và chấp nhận chuyển đổi công nghệ sản xuất, Nhà nước đã ban hành những chính sách, chế tài trong quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường đồng thời với nhiều chính sách khuyến khích trực tiếp cũng như cơ chế tài chính đối với áp dụng sản xuất sạch hơn. Bên cạnh Chiến lược quốc gia về sản xuất sạch hơn đến năm 2020 thì Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 5/9/2012. Chiến lược đã nhấn mạnh “phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường” và “khuyến khích áp dụng các mô hình quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000, sản xuất sạch hơn, kiểm soát chất thải, đánh giá vòng đời sản phẩm, các mô hình quản lý môi trường tiên tiến trong sản xuất kinh doanh”. Cùng với đó là các quỹ cung cấp tín dụng của Nhà nước và ưu đãi liên quan đến sản xuất sạch hơn cũng được phát triển như: Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.… Nguyên tắc hoạt động của các quỹ là bảo toàn vốn, do vậy rất phù hợp với các dự án sản xuất sạch hơn nếu vay từ các quỹ này.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường, bên cạnh những chính sách trên, chúng ta cũng cần phải có các giải pháp thúc đẩy đối với doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ như: Thứ nhất, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng theo chiều sâu thông qua việc hạn chế phát triển các ngành sản xuất phát sinh nhiều chất thải, công nghệ sản xuất lạc hậu, thay vào đó là phát triển các ngành kinh tế xanh, mũi nhọn như năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hàng hóa và dịch vụ môi trường.… Thứ hai, tăng cường nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về đổi mới công nghệ bởi doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm của quá trình đổi mới công nghệ, do vậy đổi mới công nghệ trước hết phải xuất phát từ doanh nghiệp, do doanh nghiệp chủ động thực hiện và phải được coi là một nội dung tất yếu trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về đổi mới công nghệ theo hướng phát triển xanh với các giải pháp cụ thể như: Xây dựng lộ trình cho việc sử dụng công nghệ sạch, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường; rà soát, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách quy định cụ thể, trực tiếp, thống nhất và đồng bộ đối với hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; hình thành các gói hỗ trợ, đầu tư, đổi mới công nghệ, sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nên đầu tư và chi tiêu nhiều hơn cho các lĩnh vực thúc đẩy phát triển kinh tế xanh như: Năng lượng, giao thông, xây dựng, nông nghiệp, du lịch, xử lý chất thải…; nâng cao nhận thức về các thách thức của nền kinh tế truyền thống cũng như cơ hội, thuận lợi của nền kinh tế xanh và sự phát triển bền vững; đồng thời nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước và đầu tư đào tạo kỹ năng cho đội ngũ lao động phục vụ nền kinh tế xanh.
Để hiện thực hóa việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, ông Ngô Văn Mơ - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, Việt Nam phải thực hiện tổng hòa các nhóm giải pháp, từ tuyên truyền, chuyển đổi cơ cấu kinh tế đến xây dựng môi trường pháp lý, thúc đẩy đổi mới công nghệ, phát triển các nguồn năng lượng sạch. Chúng ta cũng nên đầu tư vào các ngành kinh tế có thể phát huy lợi thế so sánh của Việt Nam, đồng thời đầu tư phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao hướng đến xây dựng nền kinh tế tri thức./.