Thiếu chính sách hỗ trợ
Theo khảo sát của Trường Đại học Bách khoa TPHCM, có đến 70% DN không nghe đến chứng nhận nhãn xanh Việt Nam; hơn 50% DN không quan tâm đến biến đổi khí hậu; 60% DN không sẵn lòng đầu tư cho sản phẩm xanh; chỉ 50% DN cho biết lý do DN đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm xanh là để bảo vệ môi trường; 23,3% DN cho biết lý do DN đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm xanh là để tiết kiệm năng lượng. Trong khi đó, có 89% DN trả lời không nhận được sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước trong quá trình DN sản xuất, kinh doanh sản phẩm xanh; chỉ có 26% DN cho biết họ nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất, phân phối đối với sản phẩm xanh.
Lý giải về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Văn Khoa, Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho biết, vấn đề góp phần bảo vệ môi trường, giảm tiêu thụ nguyên nhiên vật liệu chưa được DN quan tâm, đặc biệt là khối DN thường. Khối DN xanh có sự chủ động và nhận thức được vai trò trách nhiệm của họ hơn là DN thường. Phần lớn DN quan tâm vấn đề kinh tế, chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao rồi sau đó mới xét đến các vấn đề khác. Trong lúc DN vẫn đang phải đối mặt với việc giải quyết hàng tồn kho, tìm kiếm và mở rộng thị trường, bảo hộ thương hiệu, tiếp cận vốn vay... họ cũng phải tiếp tục lo thêm một khoản vốn đầu tư ban đầu khá cao khi thực hiện các dự án về sản xuất xanh. Thế nhưng, việc tiếp cận vốn vay vẫn còn nhiều khó khăn cho DN, và hiện chưa có nhiều ưu đãi cho DN vay vốn để phát triển xanh. Thế nên, nhiều DN chưa mặn mà với phát triển xanh cũng là điều dễ hiểu.
Đồng bộ giữa Nhà nước - Doanh nghiệp - Người tiêu dùng
Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Văn Khoa, phát triển xanh sẽ là con đường duy nhất để các DN có thể tồn tại và phát triển bền vững trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Để một công ty phát triển xanh thì trong nội bộ công ty phải có sự đồng thuận từ lãnh đạo đến người lao động. Lãnh đạo công ty phải là người tiên phong trong định hướng phát triển xanh của công ty từ đó thay đổi cách suy nghĩ và hành động của từng cá nhân lao động trong toàn bộ công ty. Cùng với đó, công ty cũng phải chủ động đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng, thân thiện môi trường.
Đặc biệt, điều cần thiết làm ngay là Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách hiện hành sao cho đồng bộ nhất quán theo định hướng phát triển xanh, tạo điều kiện cho các DN, cộng đồng xã hội thực hiện theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Mặt khác, Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về tiêu dùng xanh sẽ tạo ra động lực khuyến khích và nguồn cung cho nhu cầu “tiêu dùng xanh trên thị trường”. Đồng thời cần đưa ra các chính sách khuyến khích các nhà sản xuất các sản phẩm, dịch vụ xanh. Phát triển những ngành nghề, lĩnh vực có áp dụng công nghệ sạch, sản xuất sạch hơn, hướng đến các sản phẩm cho tiêu dùng xanh. Đẩy mạnh xanh hóa sản xuất, ưu tiên các chính sách và kế hoạch hành động phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghệ xanh, cơ chế phát triển sạch.
Đồng thời người tiêu dùng cũng phải thể hiện được trách nhiệm tiêu dùng của mình, người tiêu dùng phải là những người tiêu dùng thông thái, thông minh hướng tới việc mua sắm xanh. Mua sắm xanh sẽ mang lại những lợi ích như nâng cao độ an toàn và sức khỏe cho người dân và cộng đồng; phát triển các sản phẩm mới, thân thiện với môi trường hơn; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; tiết kiệm chi phí mua sắm và sử dụng.
Theo các chuyên gia, xu hướng phát triển xanh đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều nước trên thế giới. Việc DN hòa nhập xu hướng này sẽ giúp tăng uy tín thương hiệu, đồng thời xóa bỏ rào cản kỹ thuật môi trường khi bước chân vào thị trường thế giới. Không chỉ vậy, DN đổi mới xanh còn có cơ hội thu hút đầu tư của các tổ chức phi chính phủ, các ngân hàng và các tổ chức tài chính…
Để thực hiện mục tiêu phát triển xanh, không nhất thiết DN phải đầu tư trang thiết bị hiện đại để giảm thiểu khí thải, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường. Chỉ bằng những hành động đơn giản: chấp hành tốt quy định bảo vệ môi trường, cải tiến quy trình sản xuất để giảm nguyên nhiên liệu, điện. Và quan trọng nhất là ưu tiên tiêu dùng những sản phẩm, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường là đã giúp thực hiện được mục tiêu này. Bên cạnh đó, để tiến tới xây dựng một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững, đòi hỏi mỗi chúng ta phải có những thay đổi trong nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường. Cùng với toàn xã hội, nhận thức và sự đồng hành của các DN trong các hoạt động về bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết.