UBND tỉnh cũng vừa ban hành Chỉ thị số 03/2010/CT-UBND nhằm đẩy mạnh triển khai thực hiện Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn. Theo đó, tỉnh sẽ cân đối nguồn vốn từ ngân sách hàng năm kết hợp với hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở tiếp cận các nguồn vốn khác để thực hiện SXSH. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, chuyển giao các đề tài, dự án khoa học công nghệ đã nghiên cứu, nghiệm thu; nghiên cứu bổ sung vào chương trình đào tạo tại các trường dạy nghề, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các mặt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác về bảo vệ môi trường; kiểm tra, kiểm soát và xử lý các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Song song với đó là việc đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức thông qua phương tiện thông tin đại chúng và lồng ghép vào các đợt thanh kiểm tra việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.
Bến Tre đã bắt đầu phổ biến và áp dụng SXSH từ năm 2007. Đến giữa năm 2008, tỉnh nhận được sự hỗ trợ của Hợp phần SXSH trong công nghiệp (gọi tắt là CPI) thuộc Chương trình hợp tác phát triển giữa Việt Nam – Đan Mạch về môi trường do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện. Thông qua hợp phần này, các hoạt động truyền thông cũng như các dự án trình diễn áp dụng SXSH với kinh phí hỗ trợ không hoàn lại khoảng 12 tỷ đồng đã được thực hiện tại 6 doanh nghiệp, 4 hộ làng nghề trong tỉnh. Qua đó bước đầu đã giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp nâng cao nhận thức về lợi ích thiết thực của các giải pháp SXSH.