Vốn được mệnh danh là “đất trăm nghề”, hiện Hà Nội quy tụ khoảng 1.270 làng nghề, trong đó có 272 làng nghề đã được UBND thành phố cấp bằng công nhận danh hiệu làng nghề. Các sản phẩm chính của làng nghề Hà Nội là thủ công mỹ nghệ, thêu ren, gốm sứ, vật liệu xây dựng…
Với đặc trưng là tận dụng diện tích đất ở để làm nơi sản xuất, sử dụng nguồn vốn nhỏ, chủ yếu là vốn tự có để sản xuất kinh doanh nên trình độ công nghệ của các đơn vị sản xuất các sản phẩm nghề truyền thống chưa cao. Công đoạn sản xuất chính của một số ngành nghề như gốm sứ, mây tre đan, nón, gỗ mỹ nghệ… vẫn phải làm bằng tay, nhất là các sản phẩm đòi hỏi tính mỹ thuật cao. Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, hiện 70% thiết bị được sử dụng tại các làng nghề Hà Nội là máy móc, trang thiết bị đơn giản. Số máy móc hiện đại chỉ tập trung tại một số làng với những ngành nghề như dệt, may, gốm sứ. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý nước thải tại các khu vực làng nghề nhìn chung vẫn chưa được quan tâm đầu tư xây dựng. Do vậy, ô nhiễm môi trường làng nghề đang trở thành tình trạng chung, là vấn đề nổi cộm của hầu hết các làng nghề ngoại thành Hà Nội và ngày càng đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống cũng như phát triển sản xuất. Cụ thể, không khí tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm thường bị ô nhiễm do đốt nhiên liệu, do sự phân hủy yếm khí các chất hữu cơ có trong nước thải, chất thải rắn như CO2, NH3, CH4. Không khí tại các làng nghề mây tre đan, làm nón, tăm hương… bị ô nhiễm do khâu sấy chống mốc dùng diêm sinh gây phát sinh một lượng lớn khí SO2. Không khí tại các làng nghề dệt nhuộm bị ô nhiễm do bụi bông, bụi than, hơi hóa chất, xút thải… Không những gây ảnh hưởng đến môi trường, ô nhiễm làng nghề còn khiến cho tỷ lệ mắc bệnh tại các làng nghề có xu hướng tăng cao, đặc biệt là các nhóm người trong độ tuổi lao động.
| Năm 2011, Hà Nội sẽ tiếp tục phổ biến SXSH cho các doanh nghiệp và hộ
gia đình thuộc 5 ngành nghề: Thực phẩm, vật liệu xây dựng - gốm sứ, điện
- điện tử, cơ khí, dệt may. Sở Công Thương Hà Nội sẽ có những hỗ trợ
cho các doanh nghiệp như tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo tuyên truyền
về SXSH, hỗ trợ doanh nghiệp trong đánh giá tiềm năng SXSH, tư vấn về
đổi mới trang thiết bị…
|
Theo ông Đào Hồng Thái - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội, “ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hoàn toàn có thể khắc phục được nếu áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn (SXSH). Ứng dụng các giải pháp SXSH nhằm giảm ô nhiễm và tăng hiệu quả kinh tế tại các khu vực làng nghề là một trong những trọng tâm của hoạt động SXSH được triển khai trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2011”.
Cũng theo ông Thái, điểm mấu chốt nhất trong áp dụng các giải pháp SXSH tại khu vực làng nghề là phải quản lý tốt nội vi, sau đó mới tính đến các giải pháp đòi hỏi công nghệ cao. Đơn cử tại các làng nghề cơ khí mạ, do đặc điểm của công nghệ mạ điện, nước thải độc hại chủ yếu sinh ra trong quá trình rửa vì nước sau quá trình này thường chứa nhiều hóa chất và kim loại nặng; bên cạnh đó, các làng nghề vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp rửa nhúng tĩnh; hóa chất sử dụng vẫn chú trọng đến giá thành hơn chất lượng; trang thiết bị cũng tương đối lạc hậu, do vậy, phương pháp để áp dụng các giải pháp SXSH tại các làng nghề này là phải giảm nước thải của khâu rửa bằng việc nhúng tĩnh nhiều bậc; rửa chảy liên tục qua các bể ngược chiều đường đi của chi tiết rửa nhằm tăng khả năng rửa, tiết kiệm dung dịch rửa và thời gian rửa. Bên cạnh đó, để giảm lượng dung dịch bám dính trên sản phẩm, cần áp dụng biện pháp rung lắc cơ học đối với các chi tiết trước khi sang bể rửa; kéo dài thời gian để ráo sản phẩm trước khi rửa. Đồng thời cần bố trí các bể mạ và bể rửa gần nhau nhằm hạn chế đường đi của các chi tiết mạ và giảm lượng dung dịch mạ rơi vãi. Ngoài ra, kinh nghiệm của một số làng nghề ở Nam Định cho thấy, thay thế cyanua bằng ammonium (NH4) là một phương pháp không chỉ an toàn mà còn giúp giảm lượng axit trong sản xuất, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Có thể giảm nồng độ hóa chất trong khâu tẩy rỉ từ 8-10% HCl xuống 4-5% HCl với hiệu quả tẩy như nhau bằng cách làm ấm dung dịch tẩy lên 25-300C.
Đối với các làng nghề dệt nhuộm, ngoài những biện pháp như nâng cao ý thức trong sản xuất nhằm hạn chế nguyên liệu rơi vãi; sử dụng những loại than chất lượng cao hơn cho sản xuất; nâng cao ý thức tiết kiệm điện…, vấn đề quan trọng nhất là cải tiến máy móc thiết bị dệt nhuộm bằng cách điều chỉnh tốc độ của động cơ, tối ưu hóa kích cỡ của bể chứa, bảo ôn các bề mặt lạnh và nóng, lắp đặt hệ thống tụ bù cho các máy dệt để tiết kiệm điện./.
Bảo Ngọc