Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 01:39 GMT+7

Tin hoạt động

Chương trình "Sản xuất sạch hơn" ở Ninh Thuận: Gắn hiệu quả kinh tế với bảo vệ môi trường

20/05/2015

Để thực hiện tốt vấn đề này, ngoài việc tăng cường công tác quản lý nhà nước; vận động các DN, cơ sở sản xuất nâng cao ý thức bảo vệ và xử lý môi trường, tỉnh còn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp theo hướng hoàn chỉnh. Đặc biệt, để giúp các DN từng bước tiếp cận với công nghệ sản xuất mới, từ năm 2010, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động "sản xuất sạch hơn" (SXSH) trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011 - 2015, nhằm tạo tiền đề đưa ngành công nghiệp ngày càng phát triển bền vững.

Những mô hình điểm

Một trong những DN đầu tiên đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng SXSH trong công nghiệp là Công ty CP Mía đường Phan Rang. Trước đây, để bảo đảm công suất ép trên 1.500 tấn mía/ngày, công ty phải sử dụng trên 400 kWh điện, đồng thời thải ra môi trường một lượng lớn bã mía.

Từ khi đơn vị đầu tư gần 20 tỷ đồng để xây dựng lò hơi cao áp siêu nhiệt và sử dụng bã mía làm chất đốt để chạy tuabin phát điện theo mô hình SXSH, hiệu quả mang lại rất thiết thực. Ngoài việc tiết kiệm được trên 70% chỉ số tiêu thụ điện năng trong sản xuất và đáp ứng đủ nguồn điện cho khối văn phòng, công ty còn góp phần giải quyết tốt thực trạng bã mía thừa, làm sạch môi trường, hạ giá thành sản phẩm, nên được xem là điểm sáng trong ứng dụng SXSH tại tỉnh Ninh Thuận.

Được biết, từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật để các DN nằm trong nhóm những DN sử dụng năng lượng trọng điểm, như: Công ty CP Mía đường Phan Rang, Công ty CP Xây dựng Ninh Thuận, Công ty TNHH MV Xi măng Luks, Công ty CP Xuất khẩu Ninh Thuận, Chi nhánh Công ty TNHH Thông Thuận áp dụng chương trình SXSH.

Gần đây, tỉnh hỗ trợ xây dựng thí điểm mô hình lò đốt gỗ sinh khối (mùn cưa, dăm gỗ, vỏ trấu, vỏ dừa, bã mía, thân cây bắp, cây sắn…), công suất chế biến trung bình 7 tấn/ngày/lò (có 3 nồi hấp) để áp dụng SXSH trong chế biến cá hấp tại thôn Mỹ Tân (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải).

Đây là địa phương có trên 300 hộ dân, với hơn 800 lao động tham gia nghề chế biến hải sản, trong đó có 29 cơ sở chế biến cá hấp khô, với sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm. Dự kiến, sau khi mô hình được áp dụng thành công, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ để các cơ sở đầu tư nhân rộng mô hình, nhằm góp phần nâng cao thu nhập, hạn chế nguồn khí thải để bảo vệ môi trường sống cho người dân trong vùng.

Các vấn đề cần quan tâm

Ông Phạm Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, cho biết qua một thời gian áp dụng chương trình SXSH, các DN không chỉ tạo được uy tín, mang lại lợi ích về kinh tế mà còn giảm được chi phí xử lý chất thải ô nhiễm môi trường từ 15 - 20%.

Tuy nhiên, việc triển khai chương trình SXSH trong CN tại Ninh Thuận hiện nay cũng gặp không ít khó khăn, do thiếu nguồn tài chính để đầu tư các công nghệ mới; thiếu các chuyên gia về SXSH, nên công tác quản lý nhà nước mới chỉ dừng lại ở việc trợ giúp, định hướng, tham gia thẩm định các thiết kế. Đặc biệt, hệ thống quy định có tính chất pháp lý để bắt buộc DN áp dụng SXSH con thiếu, nên vẫn còn nhiều DN xả chất thải ra môi trường.

Mục tiêu của SXSH là nhằm giúp cho các DN, cơ sở sản xuất CN trên địa bàn tỉnh nhận diện, đề ra được các vấn đề cần quan tâm trước mắt có thể thực hiện được, như: sử dụng tài nguyên, năng lượng tiết kiệm, tái sử dụng phế phẩm để giảm thiểu phát thải và hạn chế những tác động về môi trường, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh...

Vì vậy, muốn áp dụng thành công SXSH trong công nghiệp một cách hiệu quả, thiết nghĩ trong thời gian tới, cùng với việc tổ chức tập huấn trang bị cho các DN kiến thức, kỹ năng thực hiện, tỉnh cần có kế hoạch hỗ trợ, chế tài xử lý cụ thể, đồng thời thường xuyên thực hiện kiểm tra, phân tích, đánh giá và có những nghiên cứu, giải pháp mới để trong quá trình thẩm định, đánh giá nhanh có những khuyến cáo chính xác, giúp DN tiếp cận quy trình một cách hiệu quả nhất.