Đắk Lắk: Khuyến công sau một năm nhìn lại
19/01/2015
Bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia (210 triệu đồng), Trung tâm đã triển khai đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất gạo, công suất: 3 - 3,5 tấn/giờ tại huyện Ea Súp. Đề án được nghiệm thu từ tháng 9 - 2014 với công suất đạt khoảng 20 tấn nguyên liệu/ngày, qua đó, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng, điện năng tiêu thụ giảm 500 kWh/tháng so với hệ thống máy cũ. Đồng thời, đề án cũng góp phần tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có tại địa phương để sản xuất gạo thương phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Đối với kế hoạch khuyến công địa phương, Trung tâm đã thực hiện 16 đề án, tổng kinh phí thực hiện gần 3 tỷ đồng, trong đó, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng, kinh phí đối ứng của đơn vị thụ hưởng hơn 1,9 tỷ đồng. Có 9 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị đã được nghiệm thu với hiệu quả cao, trong đó đáng chú ý là các đề án Hỗ trợ ứng dụng thiết bị sản xuất đá ốp lát, công suất 2.000 m2/năm tại xã Cư Yang, huyện Ea Kar với tổng kinh phí thực hiện 500 triệu đồng, đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong xây dựng, tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên tại địa phương với thu nhập 3-3,5 triệu đồng/tháng/người; đề án Hỗ trợ ứng dụng thiết bị sản xuất củi đốt, công suất 2 tấn/giờ tại thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar, kinh phí thực hiện: 500 triệu đồng, giúp tận dụng phế phẩm nông, lâm nghiệp để sản xuất củi đốt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chất đốt trong công nghiệp và xuất khẩu; đề án Hỗ trợ ứng dụng thiết bị sản xuất phân vi sinh, công suất 2.000 tấn/năm tại thị trấn Phước An, huyện Krông Pak, kinh phí 240 triệu đồng, đã tận dụng nguyên liệu từ chất thải trong chăn nuôi, phụ phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón vi sinh phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở địa phương, giảm ô nhiễm môi trường; đề án Hỗ trợ ứng dụng thiết bị sản xuất bồn inox, công suất 10.000 sản phẩm/năm tại xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột, kinh phí 240 triệu đồng, giúp nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tiết kiệm điện năng trong sản xuất; đề án Hỗ trợ ứng dụng thiết bị trong dây chuyền chế biến hạt nhựa, công suất 300 kg/giờ tại xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, kinh phí 300 triệu đồng, đã cải tiến, thay thế dây chuyền xử lý chất thải, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương; đề án Hỗ trợ ứng dụng thiết bị sản xuất bao bì, công suất 2 tấn/ngày tại thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar, kinh phí 500 triệu đồng, giúp mở rộng quy mô sản xuất, giảm chi phí đầu vào, tăng sản phẩm đầu ra thêm gần 50%...
Bên cạnh đó, Trung tâm còn triển khai 7 đề án khác như: tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức kỹ thuật sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch và quản trị sản xuất, kinh doanh cho 250 nông dân và đoàn viên thanh niên; trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp địa phương tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh; đồng thời tổ chức tập huấn nghiệp vụ khuyến công cho cán bộ phụ trách công tác khuyến công tại các huyện, thị xã, thành phố...
Tuy nhiên, công tác khuyến công vẫn còn không ít khó khăn, trong đó, để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ kinh phí đối với các cơ sở sản xuất có mức đầu tư lớn, tạo ra sản phẩm mới, tạo nhiều việc làm thì phải đăng ký đề án khuyến công quốc gia, nhưng trên thực tế, số lượng đề án được phân bổ cho các địa phương rất hạn chế (thông thường chỉ từ 1 – 2 đề án). Trong khi đó, nguồn kinh phí để thực hiện chương trình khuyến công địa phương chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu hỗ trợ, mặt khác, mức hỗ trợ từ các đề án khá hạn chế, khiến đơn vị thụ hưởng không thật sự muốn tiếp nhận. Đồng thời, các địa phương chưa có cán bộ chuyên trách về khuyến công dẫn đến việc xây dựng và triển khai kế hoạch chưa hiệu quả và phù hợp với điều kiện của địa phương. Về phía các cơ sở sản xuất, một số chưa hiểu rõ nội dung, trình tự và hình thức thực hiện nên quá trình triển khai có những hạn chế, không đảm bảo tiến độ.
Theo ông Đoàn Thượng Phấn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, trong điều kiện ngành công nghiệp địa phương còn yếu thì việc chú trọng vào hoạt động khuyến công có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân các địa phương, đặc biệt là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Bởi vậy, công tác khuyến công cần được quan tâm hơn nữa trong việc bố trí cán bộ chuyên môn, tăng cường số lượng và mức hỗ trợ các đề án để hoạt động này phát huy hiệu quả thiết thực trong thực tiễn sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.
Minh Thông