Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:11 GMT+7

Tin hoạt động

Cơ hội mở cho phát triển công nghiệp hỗ trợ

23/09/2014

Công nghiệp hỗ trợ là ưu tiên hàng đầu

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đã có 26 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tính đến hết tháng 8/2014, Việt Nam đã thu hút được gần 17.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt trên 240 tỷ USD, trong đó vốn giải ngân đạt khoảng 120 tỷ USD. Tuy nhiên, một trong những “điểm yếu” của dòng vốn FDI tại Việt Nam là CNHT chưa phát triển, làm cho sức lan tỏa của khu vực FDI đối với nền kinh tế không lớn. CNHT kém phát triển cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho môi trường đầu tư tại Việt Nam kém hấp dẫn và làm tăng kim ngạch nhập khẩu của khu vực FDI.


Ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: Xác định CNHT là ưu tiên hàng đầu, đồng thời tăng tỷ lệ nội địa hóa, Chính phủ đang triển khai 3 nhóm giải pháp để khuyến khích, phát triển lĩnh vực CNHT trong thời gian tới, bao gồm: Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới (thay thế Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 về chính sách phát triển CNHT). Đồng thời xây dựng, ban hành Nghị định về khuyến khích và phát triển CNHT phù hợp với thực tiễn; xây dựng môi trường, hạ tầng kinh doanh thuận lợi để khuyến khích, thu hút từ các tập đoàn lớn đến các DN vừa và nhỏ đầu tư, sản xuất linh kiện, bán thành phẩm. Nâng cao mối liên kết, hợp tác và tạo môi trường chuyển giao công nghệ giữa DN FDI và DN trong nước; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng đa dạng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.


Ông Trương Thanh Hoài - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cũng cho biết: Để hỗ trợ cho các DN đầu tư vào lĩnh vực CNHT, Bộ Công Thương đang xây dựng chương trình phát triển CNHT thành chương trình quốc gia, và có những hỗ trợ về vốn thông qua Quỹ đầu tư CNHT 2.000 tỷ đồng. Theo đó, DN đầu tư vào lĩnh vực CNHT sẽ được ưu đãi thuế thu nhập DN với mức áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế tối đa 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa trong 9 năm tiếp theo.


Không chỉ Chính phủ và các bộ, ngành đều quan tâm đến phát triển CNHT. Theo GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: Gần đây, rất nhiều địa phương trên cả nước như TP.Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc… cũng quan tâm đến thu hút đầu tư vào phát triển CNHT.


Nỗ lực của doanh nghiệp và nhà đầu tư

Với sự nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia cho rằng ngành CNHT Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn. Đặc biệt, nhiều tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới đã đầu tư tại Việt Nam như Samsung, Canon, Intel, LG… cũng đang mong muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu chỉ có sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương thì chưa đủ, muốn ngành CNHT phát triển, cần sự nỗ lực của nhà đầu tư và bản thân các DN muốn tham gia lĩnh vực này.

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam bày tỏ: Muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa thì bản thân các DN FDI lớn như Samsung, Intel, Canon, LG… cũng phải có những chính sách phát triển CNHT. Cụ thể, họ phải đưa ra những tiêu chí về sản phẩm mình cần, đặt hàng và đảm bảo đầu ra đối với các DN sản xuất sản phẩm CNHT cho họ, có như vậy các DN CNHT mới yên tâm đầu tư. “Nếu cứ kêu gọi tăng tỷ lệ nội địa hóa nhưng không có kế hoạch phát triển cụ thể và không có chính sách gì đảm bảo sẽ tiêu thụ sản phẩm cho DN thì không một DN nào dám mạo hiểm vay tiền ngân hàng để đầu tư máy móc phát triển CNHT” - ông Thụ nhấn mạnh.


Cùng quan điểm này, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại nhấn mạnh: Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các nhà đầu tư, bản thân các DN muốn đầu tư vào lĩnh vực CNHT cũng cần phải nỗ lực và tăng cường liên kết với những DN khác về vốn, công nghệ, có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu phát triển CNHT./.

Nguyễn Hòa