Khái niệm KCNST được hai nhà khoa học Mỹ là FROSCH và GALLOPOULOS đề xuất vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX. KCNST hình thành trên cơ sở Sinh thái học Công nghiệp (STHCN), sản xuất sạch, quy hoạch, kiến trúc và xây dựng bền vững, tiết kiệm năng lượng và hợp tác các DN.
Khu công nghiệp sinh thái là một cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ nằm ở cùng một địa điểm. Các doanh nghiệp thành viên tìm cách nâng cao hiệu suất sử dụng và tính bền vững của tài nguyên nhờ sự cộng tác
1.
Lợi ích của khu công nghiệp sinh tháiKhu công nghiệp sinh thái có khả năng đáp ứng sự phát triển bền vững và mang lại các lợi ích về kinh tế, môi trường - xã hội.
Lợi ích kinh tế- Giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất bằng cách tiết kiệm, tái chế, tái sử dụng nguyên vật liệu và năng lượng: tái chế và tái sử dụng chất thải.
- Đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhờ chia sẻ chi phí cho các dịch vụ chung: quản lý chất thải, đào tạo nhân lực, nguồn cung cấp và hệ thống thông tin môi trường cùng các dịch vụ hỗ trợ khác.
Lợi ích cho môi trường- Giảm các nguồn gây ô nhiễm cho môi trường, giảm lượng chất thải cũng như giảm nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên thông qua các nghiên cứu mới nhất về sản xuất sạch, bao gồm: hạn chế ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng, quản lý chất thải, tái tạo tài nguyên và các phương pháp quản lý môi trường và công nghệ mới khác.
- Đảm bảo cân bằng sinh thái tại khu vực sản xuất. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển KCNST: từ việc chọn địa điểm, quy hoạch, xây dựng, tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật, lựa chọn doanh nghiệp, quá trình hoạt động, quản lý,... đều phù hợp với các điều kiện thực tế và đặc điểm sinh thái của khu đất xây dựng và khu vực xung quanh.
Lợi ích cho xã hội- Bên cạch các lợi ích về xã hội như các KCN thông thường, KCNST có ưu điểm nổi trội là tạo ra một bộ mặt mới, một môi trường trong sạch và hấp dẫn cho toàn khu vực. Đặc biệt, KCNST làm thay đổi cách nhìn thiếu thiện cảm cố hữu của cộng đồng đối với sản xuất trước đây.
Ở Việt Nam, khái niệm KCNST tuy đã được đề cập đến nhưng việc triển khai mới chỉ thực hiện bước đầu ở khu chế xuất (KCX) Linh Trung I và KCN Nhơn Trạch 2. KCX Linh Trung I (TP.HCM) có tổng diện tích 62 ha hoạt động từ năm 1995 với 26 công ty đang hoạt động. Trong số 26 công ty đang hoạt động có 5 công ty đã thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải tại nguồn bao gồm Công ty TNHH Fuji Implse, Công ty Vina Dany, Công ty TNHH VN Topvision Industries, Công ty TNHH điện khí Trung Nhất và Super Gaint Industrial Co.Ltd. Phương án chính của các công ty này là thu hồi phế liệu, phế phẩm để tái sử dụng ngay trong dây chuyền công nghệ sản xuất của công ty. Hai công ty trao đổi phế liệu với nhau đó là Công ty Theodore Alexander và Công ty Super Gaint Industrial Co.Ltd. Một phần gỗ phế liệu của Công ty Theodore Alexander được Công ty Super Gaint Industrial Co.Ltd thu gom về làm chất đốt của lò nấu sáp đèn. Tất cả các cơ sở sản xuất trong KCX đều thực hiện trao đổi chất thải với Công ty Liên doanh Sepzone hoặc với các cơ sở thu mua phế liệu, tái sinh, tái chế hoặc xử lý chất thải bên ngoài KCX.
KCN Nhơn Trạch 2 thành lập năm 1997 trên địa bàn 2 xã Hiệp Phú và Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai với diện tích 347ha với các ngành công nghiệp như: dệt may, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến sản phẩm gỗ, thực phẩm, hóa chất và hóa mỹ phẩm, điện tử, điện gia dụng… Được coi là KCNST dệt may, ban quản lý KCN đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng cách áp dụng sản xuất sạch hơn đối với 7 công ty dệt may trong KCN, tách dòng của nước thải, lưu lượng nước thải giảm từ 14.000m
3/ngày xuống còn 9.000-11.000m
3/ngày, điện giảm 37.000kwh/ngày và hoá chất tiêu thụ giảm từ 10-14%. Tiếp theo là KCN hình thành một mạng lưới trao đổi chất thải, giấy caton được sử dụng để sản xuất hộp caton, nguyên liệu vải, sợi phế liệu được sử dụng để sản xuất các sản phẩm như giẻ lau, bụi bông…
Kinh nghiệm phát triển KCNST trên thế giới cùng với những gì thu được từ hai mô hình KCN, KCX ở Việt Nam và những kinh nghiệm thực hiện sản xuất sạch hơn tại doanh nghiệp trong các năm qua, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng và cơ hội để phát triển các KCNST đặc biệt là tại các khu vực tập trung số lượng lớn các KCN đa ngành nghề và tập hợp nhiều loại hình tái chế như ở Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Tuy nhiên, để phát triển và nhân rộng mô hình này thì hệ thống chính sách đóng một vai trò quan trọng và cần có sự cải thiện trong thời gian tới./.
1Lowe, Ernest A. 2001. Eco-industrial Park Handbook for Asian Developing Countries. A Report to Asian Development Bank, Environment Department, Indigo Development, Oakland, CA.
Đỗ Tuệ