Nâng cao thu nhập
Trưởng ban Vận động Hội Làng nghề lược sừng Thụy Ứng, xã Hòa Bình (huyện Thường Tín) Nguyễn Xuân Huy cho biết, thôn Thụy Ứng chuyên làm đồ mỹ nghệ như: Đồ trang sức, nội thất khảm sừng bàn ghế, đèn ngủ xuất khẩu, trong đó có 50 doanh nghiệp, hộ sản xuất quy mô lớn. Nhờ nghề truyền thống, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Mỗi năm doanh thu của làng nghề đạt khoảng 40 tỷ đồng, thu nhập bình quân của lao động làm nghề từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Gia đình ông Huy đã thành lập doanh nghiệp, đang tạo việc làm cho 50 lao động. “Tôi nhập khẩu nguyên liệu sừng từ nước ngoài về sản xuất hàng trang sức xuất khẩu sang Anh, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... Lao động Thụy Ứng sẵn tay nghề cao, lại rất chịu khó và nhạy bén với thị trường, nên bắt nhịp rất nhanh với sản xuất” - ông Huy cho biết thêm.
Nói về bước phát triển của làng nghề ở địa phương, bà Hoàng Thị Thơ, thôn Mã Kiều, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho hay: “Cả xã tôi có gần 2 vạn dân, gần như gia đình nào cũng có người làm nón. Gia đình tôi vừa sản xuất, vừa thu mua nón phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó mà tôi thoát ly hẳn nghề nông, nuôi con cái học hành tốt và có cơ ngơi khang trang như hôm nay”.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, toàn thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó, số làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận là 305 làng nghề. Hoạt động sản xuất của làng nghề đã tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, chiếm hơn 64% lao động trong độ tuổi tại các làng nghề và chiếm 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp toàn thành phố. Thu nhập bình quân lao động tại các làng nghề từ 4 đến 5 triệu đồng/ người/tháng. Nhiều làng nghề có doanh thu cao như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ thôn Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) doanh thu đạt 2.085 tỷ đồng/năm; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu (huyện Hoài Đức) doanh thu đạt 1.600 tỷ đồng/năm; làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) doanh thu 250 tỷ đồng/năm; làng nghề hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) doanh thu 483 tỷ đồng/năm...
Các sản phẩm của làng nghề ngày càng có uy tín trên thị trường, tạo nhiều việc làm cho người lao động trong và ngoài địa phương. Một số sản phẩm dệt may, chế biến nông sản, đồ gốm sứ, mộc mỹ nghệ xuất khẩu mạnh sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu. Đây là tiềm năng và thế mạnh lớn của Hà Nội.
Tháo gỡ khó khăn
Cũng như nhiều làng nghề trên địa bàn thành phố, người sản xuất ở làng nghề thôn Thụy Ứng đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Huy cho biết, nguyên liệu phục vụ sản xuất của địa phương chủ yếu là sừng bò, trâu và phải nhập khẩu từ các nước. Thời gian gần đây, giá nguyên liệu liên tục tăng, khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, giá sản phẩm hoàn thành tăng không nhiều. Bên cạnh đó, do sản xuất sừng ở Thụy Ứng hiện nằm trong các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường nên người dân rất mong có điểm sản xuất tập trung.
Còn với bà Hoàng Thị Thơ, thôn Mã Kiều, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho biết: “Nghề làm nón tưởng chừng chỉ có một vài mẫu đơn thuần nhưng trên thực tế nó có hàng chục mẫu. Để hấp dẫn khách hàng, người làm nón cũng không ngừng học hỏi, đổi mới mẫu mã. Do vậy, họ rất cần được hỗ trợ khâu thiết kế mẫu”.
Bên cạnh đó, nhiều làng nghề trên địa bàn thành phố đang gặp khó khăn về vốn, khoa học kỹ thuật, khắc phục ô nhiễm môi trường... Để hỗ trợ sản xuất, hằng năm, TP Hà Nội đều xây dựng kế hoạch hoạt động phát triển nghề, làng nghề. Năm 2018, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục được thành phố quan tâm. Hà Nội dự kiến sẽ đào tạo cho khoảng 24.000 lao động nông thôn; hỗ trợ cho 40 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn truyền nghề, nhân cấy nghề thủ công mỹ nghệ cho 1.400 lao động. Thành phố cũng sẽ hỗ trợ 14 cơ sở sản xuất có dự án đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất; hỗ trợ từ 10 đến 12 làng nghề xây dựng thương hiệu và 20 cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ xuất khẩu thuộc các làng nghề thủ công mỹ nghệ thuê chuyên gia tư vấn trong thiết kế mẫu...
Ngoài ra, thành phố tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các chính sách liên quan đến việc phát triển nghề và làng nghề; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của trung ương và thành phố về phát triển nghề và làng nghề. Thành phố cũng giao các sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn cho phát triển làng nghề như: Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể của làng nghề; các sở Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, NN&PTNT phối hợp thực hiện đào tạo nghề theo kế hoạch. Đồng thời, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tập trung kinh phí từ nguồn ngân sách hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng tại khu vực nông thôn nơi hoạt động nghề, làng nghề còn nhiều khó khăn....