Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 14:42 GMT+7

Sản xuất bền vững

Đã tìm ra giải pháp xử lý triệt để bùn thải, tro bay của các nhà máy nhiệt điện

07/08/2017

Mới đây, một giải pháp đã được nghiên cứu nhằm xử lý triệt để các chất thải nguy hại này và vừa được Bộ Khoa học Công nghệ cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích sản xuất các khối bê tông lấn biển, cấu kiện bê tông từ tro xỉ than nhiệt điện cho Công ty TNHH sản xuất Trung Hậu. Báo Xây dựng có cuộc trò chuyện với ông Trần Trung Nghĩa – CTHĐQT Công ty TNHH sản xuất Trung Hậu về vấn đề này.


Hiện nay có nhiều giải pháp đưa ra nhằm xử lý tái chế nguồn tro bay như làm gạch không nung, phụ gia trong sản xuất xi măng và nay là giải pháp bê tông lấn biển. Theo ông đâu là giải pháp triệt để nhất?


Ông Trần Trung Nghĩa: Mỗi một giải pháp đều có ý nghĩa về môi trường. Gạch không nung sản xuất từ tro bay chỉ sử dụng một khối lượng nhỏ tro bay do không thể cấp phối nhiều tro bay vào viên gạch vì tro bay nhiều sẽ làm tăng tốc độ hút nước ban đầu của viên gạch (theo quy định của tiêu chuẩn Úc AS 4456.17:2003 độ hút nước này không được quá 1,5 kg/m2/phút) dễ làm nứt lớp vữa xây tô do vữa bám dính không tốt vì bị mất nước. Ví dụ để tiêu thụ hết lượng tro bay ở Vĩnh tân 2, cần lắp đặt 480 dây chuyền (mỗi dây chuyền 12 triệu viên/năm) mới xử lý hết lượng tro bay của nhà máy này. Còn ngành xi măng hiện nay đang dùng tro bay làm phụ gia chiếm 6 -15% nhưng nghịch lý là lượng tro bay này lại đi nhập khẩu từ Ấn Độ, Indonesia… vì theo chuyên gia ngành xi măng tro bay của các nhà máy tại Việt Nam hầu hết không đạt chuẩn do lượng cacbon quá cao (hơn 6%) . Do vậy trong quá trình nghiên cứu tôi thấy chỉ có ép thành khối bê tông thì mới giải quyết khả thi lượng tro bay quá lớn thải ra như hiện nay. Và trong công nghệ này vừa kết hợp cả tro bay, bùn thải để ép thành khối bê tông để lấn biển, giữ đất cho vùng sụt lở, làm kè đê, biển, làm dãy phân cách giao thông… với giá thành rẻ hơn bê tông thông thường hơn 50% . Sản phẩm đạt đến mác bê tông 300, bền sulphat, chịu mặn và không ảnh hưởng đến môi trường nước biển.


Nghe nói công ty ông đã nghiên cứu xử lý được cả bùn thải. Hướng xử lý loại chất thải này như thế nào?


Ông Trần Trung Nghĩa: Chúng tôi đã nghiên cứu thành công phương pháp xử lý bùn thải nạo vét từ các cảng biển, với cấp phối dùng sử dụng cả tro bay và bùn thải. Đây được coi là công nghệ kép cho xử lý môi trường cho các nhà máy nhiệt điện. Do phụ thuộc vào mùa gió nên nạo vét luồng lạch từ tháng 6 – 10 do vậy phải có công nghệ và máy móc để xử lý hết lượng bùn nạo vét này vì nếu xử lý không hết để vào bãi chứa thì lượng bùn thải đó gây nhiễm mặn cho đất. Nên vấn đề này cần rất nhiều các bên liên quan cùng vào cuộc, cùng ngồi lại với nhau…


Vấn đề nhiều người lo ngại là lượng chất độc hại có trong xỉ than nếu đem thả xuống biển có để lại ô nhiễm cho nguồn nước và hệ sinh thái biển không?


Ông Trần Trung Nghĩa: Trước khi ép thành khối chúng tôi phải xử lý bùn thải bằng các phụ gia… Thí nghiệm này đã được Viện kỹ thuật biển kiểm định đánh giá qua 15 chỉ tiêu đều đạt QCVN 10:2008/BTNMT.


Vốn đầu tư, cơ chế chính sách là một trong những là một rào cản khiến công nghệ của ông không được đón nhận nhanh chóng. Và ông đã phải mang công nghệ này qua Mỹ giới thiệu và lại được quan tâm?



Ông Trần Trung Nghĩa: Vốn đầu tư để xử lý 1 triệu tấn tro xỉ than và 1 triệu tấn bùn thải khoảng 500 tỷ đồng. Nếu muốn xử lý hết 1 triệu m3 bùn thải trong thời gian ngắn khi nạo vét thì cần đầu tư gấp đôi. Và chúng tôi cam kết là xử lý được hết. Nhưng vấn đề đầu ra của sản phẩm thì cần sự chung tay của Chính phủ và nhiều bộ ngành chẳng hạn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dùng vật liệu này cho lấn biển, chống sạt lỡ, làm mái kè, làm đê, ngăn dòng chảy mất đất của Đồng bằng sông Cửu Long; Bộ Quốc Phòng dùng khối bê tông lấn biển cho hải đảo, Bộ Giao thông dùng cho bó vỉa hè, dãy phân cách…


Chúng tôi chỉ cung cấp giải pháp chứ chúng tôi không thể đi tiêu thụ sản phẩm được. Chính phủ phải thấy mối nguy hại của nguồn thải này và phải vào cuộc nhanh. Tôi đi gõ cửa khá nhiều các ban ngành, các công ty nhiệt điện trình bày về công nghệ này nhưng để nhận được sự hợp tác rất khó. Có quá nhiều thủ tục, lơị ích nhóm.


Và nghịch lý là chúng tôi đã đem công nghệ này đến giới thiệu với các công ty nhiệt điện của Mỹ thì lại được chào đón vì ngay tại Mỹ họ cũng chỉ xử lý được 30% tro xỉ, còn lại là chôn lấp (trung bình 1 năm Mỹ thải ra 150 triệu tấn). Trên thế giới chưa có công nghệ xử lý tro xỉ thành khối bê tông nên họ rất quan tâm đến công nghệ của chúng tôi. Chúng tôi đã đăng ký bằng sở hữu trí tuệ cho công nghệ ép bê tông từ tro xỉ tại Mỹ. Trung Hậu đang đi những bước chậm và chắc.


Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

 

Theo Báo Điện tử Xây dựng