Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:43 GMT+7

Sản xuất bền vững

Bình Dương: Xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp xanh hơn, sạch hơn

05/07/2017

Bình Dương là một trong các tỉnh, thành có tốc độ phát triển công nghiệp cao. Giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) bình quân giai đoạn 2006 – 2010 tăng 19,9%/năm, giá trị gia tăng ngành CN tăng bình quân 14,1%/năm. Giai đoạn 2010-2015, giá trị SXCN tăng có chậm hơn do khủng hoảng kinh tế (tăng hơn 10%). Kinh tế dần ổn định, giá trị này vẫn tăng hàng năm. Để góp phần đưa CN phát triển đúng định hướng phát triển bền vững, toàn tỉnh cùng doanh nghiệp (DN) đang tích cực thực hiện chương trình sản xuất sạch hơn (SXSH). Nhằm đạt mục tiêu của chương trình này, từng DN đang tích cực xây dựng DN “xanh” và “sạch”.


Theo tổ chức Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), SXSH là việc áp dụng liên tục các biện pháp quản lý sản xuất, giải pháp kỹ thuật, công nghệ nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu chất thải, tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của cơ sở SXCN. Việc áp dụng SXSH trong CN trên địa bàn tỉnh đã được triển khai từ cuối năm 2010, do Hợp phần SXSH trong CN – CPI (Bộ Công thương) tài trợ. Các hoạt động được triển khai bao gồm tổ chức hội thảo, tập huấn và đánh giá nhanh SXSH cho các cơ sở sản xuất. Gồm các vấn đề hiện trạng phát triển CN, các vấn đề về môi trường CN và tiềm năng áp dụng SXSH tại tỉnh Bình Dương.


Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng góp phần chia sẻ những thuận lợi cũng như khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình đổi mới công nghệ hướng tới phát triển kinh tế xanh. Đặc biệt, khi doanh nghiệp phối hợp với cơ quan truyền thông giới thiệu những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường để người tiêu dùng biết và lựa chọn sử dụng là lúc lối sống xanh đang được hình thành. Càng nhiều sản phẩm xanh, càng nhiều người chọn lối sống xanh thì mục tiêu chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh càng nhanh đến đích.


Bà Phan Thị Khánh Duyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp, Sở Công thương Bình Dương, cho biết: “Để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và kế hoạch của UBND tỉnh đề ra, trung tâm đã xây dựng kế hoạch chi tiết SXSH trên địa bàn, phân kỳ theo từng năm gửi các sở, ngành liên quan góp ýhoàn chỉnh và trình UBND tỉnh phê duyệt. Hiện trung tâm đang xây dựng mô hình SXSH trong CN tại địa phương, sau đó khảo sát đánh giávànhân rộng điển hình…”.


Ngoài ra, Sở Công thương còn đóng vai trò chính, trung tâm chuyên trách tư vấn chương trình SXSH, theo kế hoạch này của UBND tỉnh, các sở, ban ngành, địa phương, tùy theo lĩnh vực chuyên môn của mình, Sở Khoa học – Công nghệ, Sở Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư, Tài nguyên – Môi trường, Ban Quản lý các Khu CN, Ban Quản lýKCN VSIP, đài, báo, UBND huyện, thị, đều vào cuộc để thực hiện thành công các mục tiêu nêu trên của chương trình SXSH. Về kinh phí thực hiện chương trình, bằng nguồn vốn Nhà nước và nguồn vốn viện trợ, các nguồn tài trợ, đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và những nguồn vốn hợp pháp khác, hàng năm, Sở Công thương xây dựng kinh phí thực hiện kế hoạch trình UBND tỉnh xem xét quyết định, phân bổ.


Để bảo vệ môi trường, tiếp tục thực hiện Quyết định số1419/ QĐ-TTg ngày 7-9-2009 của Thủ  tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược SXSH trong CN đến năm 2020”, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành “Kế hoạch SXSH trong CN trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020”. Qua đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 50% cơ sở SXCN nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong CN. 25% cơ sở SXCN có tiềm năng áp dụng SXSH và những cơ sở này tiết kiệm được từ 5 – 8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên vật liệu trên đơn vị sản phẩm. 25% cơ sở SXCN có nhân viên kỹ thuật, cán bộ quản lý năng lượng, kiêm nhiệm về SXSH.


UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các DN triển khai áp dụng các giải pháp SXSH trong CN, về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các DN tiến hành rà soát lại một số khâu có liên quan đến các giải pháp SXSH tại DN mình, tránh các rò rỉ, rơi vãi trong quá trình vận chuyển và sản xuất. Bảo đảm quản lý chặt chẽ từ khâu nguyên nhiên liệu đầu vào, sản phẩm, sản lượng, mức tiêu thụ tài nguyên và lượng chất thải tạo ra; tránh sử dụng các nguyên vật liệu độc hại bằng cách dùng các nguyên liệu thay thế khác; cải tiến công nghệ, thiết bị để cải thiện quá trình sản xuất; thiết kế lại sản phẩm để có thể giảm thiểu lượng tài nguyên tiêu thụ…

 

Theo Thuonggiathitruong.vn