Công ty May Daekwang Vina: Tiết kiệm điện để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh
Công ty May Daekwang Vina, xã Gia Sơn (Nho Quan) là doanh nghiệp sản xuất hàng may thời trang Hàn Quốc, có gần 300 công nhân với 6 dây chuyền sản xuất. Để tiết kiệm điện, Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp trong quá trình sản xuất, kinh doanh như: Lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng các loại đèn hiệu suất cao, tiết kiệm điện như Led, huỳnh quang, compact và lắp đặt công tắc riêng cho từng hệ thống đèn chiếu sáng hoặc từng khu vực để có thể chủ động tắt hoặc ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng.
Chị Trần Thị Giang, phụ trách nhân sự Công ty cho biết, cùng với thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng hiện đại, tiết kiệm điện tại tất cả các bộ phận, từ chuyền may đến bộ phận là, đóng gói sản phẩm, khu nhà kho, xưởng cắt may, khu làm việc của cán bộ, nhân viên; Công ty cũng đầu tư hệ thống máy may điện tử, không chỉ tiết kiệm tối đa điện năng mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, hệ thống làm mát trong khu xưởng rộng trên 2 nghìn m2 với 6 dây chuyền may và các bộ phận giặt, là, sấy, đóng gói sản phẩm…. đều được lắp đặt hệ thống quạt thông gió làm mát, sử dụng hơi nước đốt bằng than, giúp tiêu tốn ít năng lượng và đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Công ty may Daekwang Vina cũng tích cực tuyên truyền cho người lao động sử dụng điện tiết kiệm, an toàn. Anh Trần Xuân Quý, Tổ trưởng tổ là cho biết, là bộ phận tiêu tốn khá nhiều điện năng nên anh em trong tổ được tuyên truyền và luôn có ý thức trong việc sử dụng tiết kiệm điện. Khi không còn nhu cầu sử dụng, cá nhân mỗi người tự tắt, ngắt bàn là của mình, khi hết giờ làm việc, bộ phận kiểm tra cắt, ngắt toàn bộ hệ thống để đảm bảo tiết kiệm và an toàn, phòng, chống cháy nổ trong khu vực. Bằng nhiều hình thức và giải pháp tiết kiệm điện, mỗi tháng, Công ty may Daekwang Vina tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng tiền sử dụng điện năng, đầu tư thêm cho các dịch vụ sản xuất, kinh doanh khác và chăm lo đời sống người lao động.
Đối với Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Lam Giang, CCN Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) chuyên sản xuất các mặt hàng sợi phục vụ cho ngành dệt may. Công ty mới đưa Nhà máy kéo sợi công suất 6.000 tấn/năm đi vào hoạt động, tạo việc làm cho gần 200 lao động. Anh Vũ Văn Khoa, Phụ trách bộ phận kỹ thuật của Nhà máy cho biết: Là đơn vị tiêu thụ lượng điện tương đối lớn, chi phí cho điện vào khoảng 1,8 - 2 tỷ đồng/tháng. Để tiết kiệm điện, Công ty đã đầu tư lắp đặt hệ thống biến tần cho khoảng 90% thiết bị máy móc. Với thiết bị này giúp Công ty giảm khoảng 500 triệu đồng tiền điện mỗi tháng. Thiết bị biến tần có nguyên lý hoạt động thông minh, khả năng điều khiển tốc độ phù hợp cho tất cả các máy móc. Ngoài ra, thiết bị đo đếm của biến tần còn có thể kết nối với hệ thống máy trung tâm, giúp người vận hành có thể thấy được hoạt động của hệ thống và các thông số vận hành như: áp suất, lưu lượng, vòng quay... giúp điều chỉnh và xử lý nhanh các sự cố có thể xảy ra trên dây chuyền sản xuất.
Theo Sở Công thương, những năm gần đây, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, điện năng dành cho hoạt động ở lĩnh vực này chiếm một tỷ trọng tương đối lớn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng. Mỗi năm, dự kiến sản lượng điện dùng cho ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 80% sản lượng điện của toàn tỉnh. Để tiết kiệm điện năng, góp phần hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng trên thị trường tiêu thụ; các doanh nghiệp đã tích cực đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất; áp dụng quy trình vận hành, chế độ duy tu, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị trong dây chuyền sản xuất; bố trí quy trình sử dụng điện hợp lý, khoa học, thay thế các thiết bị tiêu hao lượng điện năng ít hơn…. Cách làm này được triển khai ở nhiều doanh nghiệp cho thấy hiệu quả rõ rệt. Năm 2017, kết quả tiết kiệm điện trong sản xuất công nghiệp đã tiết kiệm được khoảng 48.000 KWh.
Hiện đã bắt đầu vào mùa hè, nhu cầu về điện sẽ tăng lên, đòi hỏi các doanh nghiệp tiếp tục có các giải pháp sử dụng điện hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm. Trong đó cần xây dựng hệ thống quản lý năng lượng nhằm kiểm soát và duy trì các biện pháp tiết kiệm năng lượng đã có; bố trí thời gian sản xuất vào những thời điểm hợp lý, tránh vào những giờ cao điểm, tập trung vào giờ thấp điểm nhằm giảm tải lượng điện năng cần dùng; sử dụng các thiết bị, máy móc tiết kiệm điện, nhất là hệ thống chiếu sáng, điều hòa, máy lạnh, đảm bảo sử dụng phù hợp với điều kiện thời tiết và môi trường làm việc. Cùng với đó lắp đặt biến tần cho các động cơ công suất lớn, góp phần tăng tuổi thọ của động cơ, đảm bảo an toàn, tiện lợi và thuận tiện cho việc bảo dưỡng; đặc biệt sẽ tiết kiệm điện năng ở mức tối đa trong quá trình khởi động và vận hành các loại máy móc. Đối với các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, cần đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện, từ đó sẽ giảm đáng kể lượng điện năng cần tiêu thụ… Đặc biệt, các doanh nghiệp cần thực hiện tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân viên và người lao động tích cực thực hành các biện pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng điện hợp lý… Nếu áp dụng tốt các biện pháp tiết kiệm điện năng phù hợp, không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn góp phần đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng quốc gia.