Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 17:07 GMT+7

Tin hoạt động

Ứng dụng KHCN trong sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP

26/04/2018

Đầu năm 2017, Công ty CP Thuỷ sản Cái Rồng (Vân Đồn) đưa hệ thống thiết bị cô đặc nước mắm bằng năng lượng mặt trời, công suất 4.000 lít vào hoạt động. Đây là hệ thống đầu tư nằm trong Dự án đăng ký mã số mã vạch, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nước mắm Cái Rồng do Sở KH&CN làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng; trong đó tỉnh hỗ trợ 502,5 triệu đồng, còn lại do công ty bỏ vốn đầu tư.
 
Ông Đào Đức Yêm, Giám đốc công ty cho biết: “Công nghệ này là sử dụng năng lượng mặt trời tạo dòng nước nóng luân chuyển liên tục qua hệ thống bể mắm, giúp nâng nhiệt cao độ của bể nên thời gian ủ chượp cũng nhanh hơn. Cùng với đó, hệ thống quạt gió giúp đánh tan váng muối, lắng đọng xuống đáy bể nhiều hơn. Nhờ vậy, mắm bớt độ mặn, độ đạm cũng cao hơn và nước mắm có màu đẹp hơn thay vì màu sậm đen như trước đây”.
 
Được biết, trong số 500.000 lít nước mắm mà công ty sản xuất năm 2017 thì có 150.000 lít được sản xuất thông qua hệ thống thiết bị cô đặc nước mắm bằng năng lượng mặt trời. Trước đây sản phẩm của công ty có độ đạm cao nhất 38 độ thì nay lên được tới 42 độ. Điều này giúp người tiêu dùng thêm ưa chuộng trong sử dụng sản phẩm nước mắm Cái Rồng.
 
Với ứng dụng KHCN sấy lạnh đã giúp gia đình anh Nịnh Văn Trắng, thôn Khe Xa, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ nâng cao chất lượng sản phẩm trà hoa vàng do gia đình sản xuất. Mỗi năm, gia đình anh Trắng thu khoảng 2 tấn trà hoa vàng tươi. Anh Trắng cho biết “Trước đây, để chế biến, bảo quản, tôi thường sấy nóng sản phẩm. Bởi vậy hoa có màu xỉn hơn, hương thơm cũng bị bay bớt. Cuối năm 2017, được huyện hỗ trợ 50% chi phí, tôi đầu tư công nghệ sấy lạnh để chế biến, bảo quản hoa. Công nghệ này giúp  hoa gần như giữ nguyên màu vàng óng vốn có của nó, đồng thời hương cũng đậm đà hơn. Mùa hoa năm nay gia đình tôi sấy được 3 tạ hoa khô”.
 
Không chỉ có trà hoa vàng và nước mắm Cái Rồng, với 339 sản phẩm OCOP trên địa bàn Quảng Ninh như hiện nay, để nâng cao chất lượng, tỉnh và các địa phương đã chú trọng đến việc tập huấn, chuyển giao các công nghệ mới về sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP cho các doanh nghiệp, cá nhân. Tỉnh đã có quyết định hỗ trợ kinh phí hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp; áp dụng công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hoá cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh năm 2017 cho tổng số 40 sản phẩm, trong đó có 20 sản phẩm OCOP. Quảng Ninh còn triển khai chủ trương dán tem điện tử thông minh nhằm quản lý, truy xuất nguồn gốc cho 100% sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Đến nay, tất cả các sản phẩm OCOP đã được dán tem điện tử.
 
Mặc dù vậy, hiện nay, nhiều sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu sản xuất, chế biến bằng phương pháp thủ công. Bởi vậy, các ngành, địa phương cần rà soát, tổng hợp nhu cầu của người dân, doanh nghiệp để có phương án hỗ trợ thông tin, kết nối nhà cung cấp, giúp ứng dụng tốt KHCN, từ đó nâng cao uy tín, chất lượng của sản phẩm. Bên cạnh những dự án có hỗ trợ của tỉnh, địa phương, nhiều doanh nghiệp, cá nhân cũng chủ động đầu tư hoặc liên kết với các đơn vị để ứng dụng KHCN trong sản xuất, chế biến sản phẩm của mình, như: HTX Dịch vụ Nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều) đầu tư máy xay, xát và đóng gói bao bì sản phẩm liên hoàn để chế biến, bảo quản sản phẩm nếp cái hoa vàng; hay việc tiếp nhận, đưa vào ứng dụng 12 quy trình công nghệ về nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế biến sản phẩm cây dược liệu hoài sơn, giảo cổ lam, ba kích từ Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội (Viện Dược liệu, Bộ Y tế) của Công ty CP Dược liệu Đông Bắc (TP Cẩm Phả)...