Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 24/11/2024 | 06:00 GMT+7

Tin hoạt động

Tìm “chất” góp phần nâng hạng doanh nghiệp Việt

27/04/2018

Tâm điểm chất lượng
 
Báo cáo Mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Tổng cục Thống kê công bố cách đây 2 năm chỉ rõ, nâng cao chất lượng sản phẩm là chiến lược cốt lõi, quyết định đến hiệu quả cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Theo đó, có 3 mũi nhọn để doanh nghiệp Việt soi vào nắm bắt cơ hội. Một là, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hai là, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ba là, tìm kiếm thị trường mới.
 
Hiện tại, các mũi nhọn vẫn không thay đổi, nhưng để tóm được cả 3 điều này, doanh nghiệp cần tầm nhìn của lãnh đạo, công cụ quản trị hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao. 
 
Thực tế, với các doanh nghiệp Việt, không phải bây giờ cụm từ “chất lượng” mới được đặt ra mổ xẻ và thực thi. Nhiều doanh nghiệp “già đời” trên thị trường nằm lòng yêu cầu này. Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm là một minh chứng. 
 
Trong hành trình 40 năm (1987-2017) bơi trên thị trường, có tới 20 năm Công ty này theo đuổi việc đầu tư cho chất lượng cao và hướng tới phát triển bền vững. Đây là doanh nghiệp chuyên dược phẩm có sự tiên phong trong việc cải thiện công nghệ, đưa ứng dụng tiêu chuẩn tiên tiến vào Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2020, Imexpharm trở thành công ty sản xuất thuốc Generics hàng đầu Việt Nam.
 
Đến cuối năm 2017, Imexpharm có 200 sản phẩm được cấp phép và lưu hành. Trong đó, 3 nhóm sản phẩm thuốc đặc trị, hạ sốt, giảm đau, kháng sinh chiếm 80% giá trị trong các năm gần đây. 
 
Địa bàn hoạt động kinh doanh chính là Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, thị trường TP.HCM và Đông Nam bộ, miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên cũng dần trở thành địa bàn có đóng góp đáng kể vào doanh thu của công ty. 
 
Năm 2017 đã đánh đấu sự phục hồi khả quan của Imexpharm với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng 16% so với các năm trước. 
 
5 năm qua, Imexpharm đã trải qua biến động và thách thức. Đó là vào năm 2013, khi các quy định về đấu thầu thuốc trong bệnh viện có sự thay đổi lớn, theo hướng ưu tiên chọn thuốc giá rẻ. Mặc dù kênh ETC (bán hàng qua đấu thầu, bán buôn) truyền thống liên tục sụt giảm và chạm đáy năm 2015, trong khi kênh OTC (bán hàng trực tiếp qua các nhà thuốc) gặp phải sự cạnh tranh gay gắt và phức tạp, Công ty tiếp tục củng cố năng lực lõi là “chất lượng”. 
 
Cũng phải nói thêm, với đặc thù sản xuất, kinh doanh dược phẩm là một ngành rất đặc biệt liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, nên cốt lõi chất lượng mang nhiều hàm ý giá trị hơn. 
 
“Chúng tôi không thể chấp nhận việc đặt sức khỏe cộng đồng ra sau lợi nhuận, hy sinh niềm đam mê chất lượng của mình để chạy theo thị trường thuốc giá rẻ vốn đang hưng thịnh trong một ngành dược mới nổi. Đặc biệt, kháng sinh kém chất lượng còn gây ra nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe và sự bền vững của cộng đồng”, ông Nguyễn Quốc Định, Chủ tịch HĐQT Imexpharm cho biết. 
 
Đó là lý do suốt hơn 5 năm qua, Imexpharm đã chấp nhận đối mặt áp lực canh tranh về giá cũng như những thay đổi chính sách để duy trì sự phát triển bền vững. Công ty đã đầu tư hàng loạt nhà máy theo tiêu chuẩn EU-GMP, đầu tư bộ ba công cụ quản trị hiện đại là ERP, BSC và DMS, đầu tư phát triển và thu hút nguồn nhân lực. Động thái đó, giúp HĐQT kỳ vọng nhiều về sự tăng trưởng cho Imexpharm đến năm 2022 và xa hơn nữa. 
 
“Chất” không phải bề nổi
 
Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực đầu tư công nghệ, xây dựng mô hình quản trị theo hướng phát triển bền vững. Họ cũng nhiệt tình tham gia các giải thưởng trong và ngoài nước, nâng “chất” mình lên để tăng năng suất, tiếp cận thị trường khu vực và thế giới.
 
Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Qưới (Bến Tre) - doanh nghiệp chuyên chế biến cơm dừa cũng là một câu chuyện điển hình. 
Nhìn lại quá trình đầy chông gai khi xuất khẩu dừa Việt Nam ra thế giới, không khó để thấy nguyên nhân giảm sức cạnh tranh của dừa Việt có yếu tố chất lượng không đảm bảo. Phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm thô từ dừa chưa lựa chọn được sản phẩm chủ lực, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn thế giới về nông sản sạch, khó kiểm soát an toàn phực phẩm…
 
Hiểu được điều đó, Lương Qưới đã liên tục nghiên cứu, lựa chọn những sản phẩm chủ lực để đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất nhằm có được những sản phẩm đạt chuẩn quốc tế về chất lượng. Năng lực xuất khẩu của công ty này đã tăng tới 26 lần kể từ khi bắt tay vận hành công nghệ chiết xuất ly tâm cơm dừa bằng công nghệ không gia nhiệt năm 2014. Lương Qưới đã thu được dòng sản phẩm cao cấp nhất là dầu dừa tinh khiết.
 
Ông Cù Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Qưới chia sẻ, việc kiểm soát được quy trình sản xuất đã giúp Công ty nâng cao 25% giá trị cho sản phẩm dầu dừa tinh khiết (VCO) khi xuất khẩu. Hiện Công ty có khả năng sản xuất 5.000 tấn VCO xuất khẩu/năm. Sản phẩm VCO được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (US FDA) cấp đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ, đạt tiêu chuẩn BRC food vào thị trường EU. Hiện nay, sản phẩm VCO của Công ty đã có mặt tại thị trường Mỹ, Canada, Australia, Nhật, Hàn Quốc, Đan Mạch, Đức, Anh…
 
Theo giới phân tích, công nghệ chiết tách dầu dừa tinh khiết không gia nhiệt của Lương Quới đã mở ra hướng đi đầy triển vọng của ngành chế biến dừa - một trong những mặt hàng Việt chiếm được nhiều thiện cảm của người tiêu dùng thế giới.
 
Sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường là giải pháp tốt nhất để tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị trái dừa Việt Nam. Đây cũng chính là kết quả, thành công đạt được thông qua việc áp dụng các tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2017 mà Công ty được xướng tên, cùng với 72 doanh nghiệp khác vào ngày 22/4. 
 
Trong khi đó, những sản phẩm từ nguồn dược liệu thiên nhiên của Công ty Thiên Dược, một doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ đạt Giải Vàng của Giải thưởng Chất lượng quốc gia đã chinh phục thành công thị trường Mỹ, với sản phẩm viên nang thực phẩm chức năng Crila. Sản phẩm được bào chế từ nguyên liệu là cây trinh nữ hoàng cung với vùng trồng sạch đạt tiêu chuẩn GMP. Hiện, Công ty sở hữu vùng trồng dược liệu đầu tiên của Việt Nam, rộng 20 ha đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. 
 
Để “chất” của doanh nghiệp không chỉ là số lượng bề nổi, doanh nghiệp Việt nên chú tâm vào sở trưởng của mình.
 
Theo TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty Thiên Dược, Công ty đã có quy trình sản xuất cao khô ở quy mô 1 tấn nguyên liệu lá khô/mẻ và công nghệ sản xuất viên nang ở quy mô 500.000 viên/mẻ. Để tiêu chuẩn hóa sản phẩm, doanh nghiệp đã tiến hành xây dựng quy trình chiết xuất, phân lập và tinh chế chất chuẩn tinh khiết. 
 
Hiện doanh nghiệp này bắt tay với Viện Hàn lâm Khoa học Bulgaria bào chế dược chất từ hoa của trinh nữ hoàng cung hỗ trợ và điều trị tích cực cho các bệnh nhân ung thư sau phẫu thuật. 
 
Theo giới chuyên gia tư vấn, để “chất” của doanh nghiệp không chỉ là số lượng bề nổi, doanh nghiệp Việt nên chú tâm vào sở trường của mình. Chẳng hạn, doanh nghiệp sản xuất phải chuyên tâm đến sản xuất và làm đúng với lương tâm của sản xuất. Liên tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ và đặc biệt làm chủ trong khâu thiết kế... Trong khi đó, đối với doanh nghiệp thương mại cần siết chặt đầu vào, chất lượng xuất xứ, nguồn gốc, chuỗi cung ứng, và giá cả hợp lý với các đơn vị đối tác cung cấp. Ngoài ra, để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, doanh nghiệp cần có chiến lược xây dựng thương hiệu. Khi vươn ra thị trường nước ngoài, doanh nghiệp cần chuyển dần cạnh tranh về giá sang phương thức cạnh tranh phi giá như tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã, dịch vụ sau bán hàng, các giá trị gia tăng…
Những yếu tố đó không chỉ được thực thi ở thị trường xuất khẩu mà ngay cả ở thị trường nội địa, để cạnh tranh lại với các doanh nghiệp FDI.
 
Nguồn: baodautu.vn