Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 13:02 GMT+7

Tin hoạt động

Đưa tro xỉ làm vật liệu xây dựng tránh ô nhiễm môi trường

23/04/2018

Nhằm trao đổi kinh nghiệm của các nhà máy, công ty về các giải pháp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện, ngày 20/4, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Công ty nhiệt điện Đông Triều - TKV tổ chức hội thảo “Quản lý, vận chuyển, xử lý, tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện một cách bền vững và thân thiện với môi trường” tại Nhà máy nhiệt điện Đông Triều, Công ty Công ty nhiệt điện Đông Triều -TKV, thôn Đông Sơn, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. 
 
Tại hội thảo ông Phạm Trọng Thực, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết, nhiệt điện là một trong những ngành phát sinh chất thải lớn. Tính trung bình, để sản xuất ra 1kWh điện sử dụng nhiên liệu than cám sẽ thải ra từ 0,9 - 1,5 kg tro, xỉ.
 
Số liệu từ 23 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành cho thấy, lượng tro, xi phát sinh hàng năm khoảng 12,2 triệu tấn; trong đó, chủ yếu tập trung tại khu vực miền Bắc (chiếm 60%), miền Trung (chiếm 21%) và miền Nam (chiếm 19%). 
 
Cũng theo ông Phạm Trọng Thực, mặc dù Chính phủ, các Bộ, ngành đã có chủ trương sử dụng tro xỉ để sản xuất xi măng, vật liệu không nung và phối liệu với các nguyên liệu khác sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng, nhưng do nhiều vướng mắc nên hầu hết lượng tro xỉ không được sử dụng cho mục đích này. 
Thống kê cho thấy, riêng năm 2017, lượng tro, xỉ tiêu thụ chỉ đạt gần 4 triệu tấn, chiếm khoảng 30% tổng lượng phát sinh do quan niệm đây là một nguồn chất thải hoặc chất thải nguy hại. 
 
Tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa tro bay và bụi lò hơi có dầu từ các nhà máy nhiệt điện than vào danh mục chất thải nguy hại.
 
Quy định này khiến các nhà máy phải tốn kém kinh phí phân tích thành phần tro, xỉ nhưng kết quả là đều thấp hơn ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định. 
 
Chia sẻ thêm về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Đông Triều – TKV cho hay, trung bình mỗi năm, Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê thải ra khoảng 650.000 tấn tro, xỉ và chỉ có khoảng 17% lượng tro xỉ của nhà máy này được sử dụng sản xuất vật liệu không nung và làm phụ gia xi măng. 
 
Ngoài những vướng mắc trên, theo các chuyên gia, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho xử lý, sử dụng tro, xỉ trong sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng còn thiếu, trong khi nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chưa phù hợp với thực tế cung cấp, vận chuyển, sử dụng tro, xỉ. 
 
Ông Vũ Thanh Tuyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thanh Tuyền Group đã nhấn mạnh thêm về khó khăn doanh nghiệp gặp phải. Đó là công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ chủ yếu của Trung Quốc còn nhiều hạn chế, trong khi công nghệ của các nước tiên tiến khác đồi hỏi chi phí đầu tư rất lớn.
 
Bên cạnh đó, việc đưa sản phẩm ra thị trường cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu các chứng nhận chất lượng của các cơ quan nhà nước... 
 
Ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp khẳng định: Ngày 7/3/2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ bàn giải pháp xử lý, chế biến tro xỉ và tháo gỡ khó khăn theo hướng tạo điều kiện thông thoáng hơn trong quá trình quản lý, sử dụng và tiêu thụ tro, xỉ. 
 
Để sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này, ông Trần Văn Lượng đề nghị sớm sửa đổi Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng loại bỏ giấy phép “Giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường” để các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ dễ dàng tiếp cận và tái chế tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện than.
 
Ngoài ra, ông Trần Văn Lượng cũng đề xuất việc ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tro, xỉ làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền.
Nguồn: Bnew.vn