Bà Rịa Vũng Tàu: Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng công nghệ "xanh"
Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, những năm gần đây, tỉnh BR-VT luôn khuyến khích các DN sử dụng công nghệ “xanh” trong sản xuất để bảo vệ môi trường. Để hỗ trợ các DN, tỉnh đã triển khai “Chương trình KH-CN hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa tỉnh BR-VT giai đoạn 2014-2020”. Chương trình này có rất nhiều nội dung như: Hỗ trợ đào tạo, tập huấn; hỗ trợ xây dựng, áp dụng và duy trì các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ xây dựng website, phần mềm, tiết kiệm năng lượng, cải tiến công nghệ, thiết bị, xây dựng hệ thống xử lý nước thải… Đến nay, thông qua chương trình này, nhiều DN đã tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ “xanh” vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Triển khai chương trình nói trên, Sở KH-CN đã hỗ trợ 400 triệu đồng cho Công ty CP Gạch ngói gốm xây dựng Mỹ Xuân (xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành) thực hiện đề án sử dụng xỉ than vào sản xuất gạch tuynel. Theo ông Lưu Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Gạch ngói gốm xây dựng Mỹ Xuân, trước đây, xỉ than là một loại chất thải công nghiệp phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện, không được tái sử dụng, các đơn vị phát sinh chất thải thường phải thuê đơn vị thu gom, xử lý. Việc này vừa tốn chi phí xử lý, lại không bảo đảm môi trường. Nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ của “Chương trình KH-CN hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa tỉnh BR-VT giai đoạn 2014-2020” cộng với nguồn tài chính của DN, công ty đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, nhà xưởng để thu mua, xử lý xỉ than để sản xuất gạch tuynel. “Việc sử dụng xỉ than làm phụ gia vào sản xuất gạch tuynel đã góp phần giúp các nhà máy nhiệt điện giảm chi phí xử lý chất thải, đồng thời giúp công ty nâng cao chất lượng sản phẩm gạch tuynel Mỹ Xuân”, ông Lưu Ngọc Thanh nói.
Từ sự khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh, nhiều DN khác cũng đẩy mạnh đổi mới công nghệ, hạn chế tối đa việc phát thải ra môi trường. Mới đây, Nhà máy giấy Sài Gòn (KCN Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành) đã đưa vào sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn dùng nhiên liệu là phụ phẩm nông nghiệp và các chất thải công nghiệp không nguy hại phát sinh từ hoạt động chế biến giấy công nghiệp và giấy sinh hoạt của nhà máy. Ông Phạm Minh Hùng, Giám đốc Kỹ thuật, Công ty CP giấy Sài Gòn cho biết, công nghệ này đã giúp Nhà máy Giấy Sài Gòn thay thế được nguồn nhiên liệu dầu FO, khí đốt, tiết kiệm được chi phí năng lượng và giải quyết được vấn đề môi trường liên quan đến các chất thải rắn thông thường phát sinh hàng ngày như: nilon, giấy phế liệu không thể tái chế...
Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp bằng kinh phí để các DN đổi mới công nghệ, Sở KH-CN còn làm “cầu nối” giúp các DN tiếp cận với những công nghệ “xanh” hiện đại trên thế giới thông qua các sự kiện trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ. Công nghệ bóng đèn cảm ứng từ của Tập đoàn Luxfine (Hàn Quốc) được giới thiệu tại các sự kiện trên hiện đang được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, các KCN và một số DN đang quan tâm. Anh Nguyễn Văn Phi, Giám đốc Công ty TNHH Phố Xanh (đường Nguyễn Hữu Thọ, TP.Bà Rịa) cho biết, anh đang tìm hiểu công nghệ bóng đèn cảm ứng từ Luxfine để thay thế các bóng đèn chiếu sáng hiện nay. Hệ thống đèn cảm ứng từ Luxfine có công suất 150w, có thể cài đặt tự động điều chỉnh độ sáng: sáng 100%, 80%, 60% và 40% công suất. Đèn cảm ứng từ có thể tiết kiệm 50-70% chi phí điện năng so với đèn cao áp và có tuổi thọ tới 30 năm.