Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:19 GMT+7

Tin hoạt động

Đánh giá Sản xuất sạch hơn tại Hợp tác xã sản xuất Thương mại Tấn Thành

15/12/2017

Nhà máy sản xuất cao su công nghiệp từ cao su mủ tạp, do đó, dây chuyền sản xuất tương đối cũ và thô sơ. Hiện tại dây chuyền sản xuất của nhà máy cho sản lượng khoảng gần 5000 tấn cao su SVR 10 trong một năm. SVR 10 là loại cao su sản xuất từ mủ đông, mủ tạp, nên bản chất của cao su là cứng, nhưng khi dùng loại cao su này pha trộn với RSS, CV50 và Latex sẽ cho ra sản phẩm rất tốt, đáp ứng yêu cầu cơ bản của công nghệ lốp xe. 
 
Quy trình sản xuất cao su SVR 10 như sau:
 
Cao su mủ tạp, cao su chén được nhập, cân và đổ vào bãi chứa trong nhà xưởng, tiếp đến qua công đoạn cắt miếng, rửa để loại bỏ bụi bẩn và một phần tạp chất còn lại trong nguyên liệu, sau đó qua công đoạn cán tấm 1 và 2, cắt và rửa lần 2, cán tấm 3,4,5,6, cắt nhuyễn, rửa lần 3 và tách nước, sấy, làm nguội, ép. Sản lượng SVR 10 năm 2016 là 4846 tấn, năm 2017 là 3325 tấn. Cân bằng vật liệu cho thấy một lượng nguyên liệu bị rơi vãi và lẫn ra cùng nước thải (15% tổng nguyên liệu). 
 
Tình hình tiêu thụ nguyên, nhiên liệu và năng lượng trung bình có sự gia tăng từ năm 2016 sang 2017. Cụ thể, tiêu thụ hàng tháng cao su chén từ 539 tấn lên 590 tấn, điện từ 41300 kWh lên 42277 kWh, nước từ 2995 m3 lên 3032 m3. Định mức tiêu hao cao su, điện, nước, dầu DO của công ty tương đối hiệu quả. Vấn đề là biên độ dao động giữa các tháng vẫn có sự chênh lệch đáng kể (tháng cao nhất so với tháng thấp nhất là chênh nhau khoảng 36,2% cao su, 27,9% điện năng, 24,6% dầu DO, 23,6% nước).Trong quá trình sản xuất có phát sinh mùi và tiếng ồn, nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt, chất thải rắn, khí thải.  
 
Qua quá trình đánh giá, tư vấn viên xác định hiện trạng sử dụng nguyên liệu, nước, điện và đề xuất 1 số giải pháp SXSH như sau:
 
Về nguyên liệu, áp dụng một số giải pháp để giảm rơi vãi nguyên liệu khu vực nhập liệu như tăng kích thước phễu nạp liệu, tăng chiều rộng băng chuyền tại công đoạn cắt miếng và cán tấm.
 
Về nước, nước được sử dụng chủ yếu trong quá trình rửa và cán sản phẩm. Ở tất cả các máy cán đều sử dụng nước để rửa cao su khi đưa vào máy cán, tuy nhiên, không phải vị trí vòi nước tại tất cả các máy cán đều mang lại hiệu quả rửa. Nước không được phun trực tiếp vào vị trí cán nên có một lượng nước sử dụng không đúng mục đích. Nước sử dụng sau cán được thải bỏ trực tiếp xuống sàn nhà, không có cống rãnh dẫn ra hệ thống xử lý nước thải, mà đi theo nguyên lý chỗ trũng. Do đó, sàn nhà xưởng luôn ẩm ướt, nhiều nước và là nơi sinh sống của nhiều loại vi sinh. Một số giải pháp đề xuất là đầu tư vòi rửa áp lực hay điều chỉnh vòi nước phun trực tiếp vào vị trí cán để tận dụng triệt để lượng nước được phun ra. Nên có thời gian ngâm cao su trước khi tiến hành công đoạn rửa, nhằm loại bỏ bớt tạp chất và bụi bẩn, lượng nước sử dụng ở công đoạn rửa sẽ sử dụng hiệu quả cao hơn.
 
Về sử dụng điện, tỉ trọng tiêu thụ năng lượng theo thiết kế của các thiết bị như sau: Thiết bị sản xuất 98,24%, đèn chiếu sáng 0,23%, thiết bị khác 1,53%. Thông qua biểu đồ tỉ trọng tiêu thụ công suất lắp đặt, nhận thấy tỉ trọng của các thiết bị băng chuyền phục vụ cho quá trình sản xuất chiếm tới 98.24% trong toàn bộ thiết bị lắp đặt tại HTX, do đó các cơ hội tiết kiệm điện phần lớn tập trung cho các thiết bị thuộc khu vực này. 
 
Hiện tại, cụm máy cán của HTX đang sử dụng có những motor có dãy công suất từ 30HP đến 50HP. Trong đó số lượng motor công suất 30HP là 01 máy, 40HP là 02 máy, 50HP là 02 máy dùng để cán những nguyên liệu thô từ khâu máy bầm chuyển sang, đồng thời kết hợp với việc tẩy rửa bằng nước cho sản phẩm sau khi cán được sạch hơn. Tuy nhiên, tất cả nhóm máy cán mà HTX sử dụng cho khâu này đều sử dụng loại motor VS gây tổn thất năng lượng cho HTX. Các máy cán chạy đều hao tốn điện năng lớn do các xích đã bị chùng, cũ, rỉ sét. Việc áp dụng giải pháp về quản lý nội vi sẽ khắc phục được hiện tượng trên. 
 
Một số giải pháp tiết kiệm điện đề xuất cho HTX như sau:
  • Đối với cụm thiết bị: thay thế motor VS bằng motor thông thường, sau đó lắp đặt biến tần cho motor vừa thay thế nhằm tiết kiệm điện năng tiêu thụ khi hệ thống có sự thay đổi tải, đồng thời tăng tuổi thọ cho motor máy cán trong quá trình làm việc.
  • Đối với máy bơm nước: thiết kế lại hệ thống các vòi phun nước cho hợp lý, đồng thời lắp đặt biến tần nhằm giảm điện năng tiêu thụ cho hệ thống bơm nước sản xuất.
  • Đối với cụm chiếu sáng: Thay thế các tấm tôn lấy sáng củ bằng các tấm tôn lấy sáng có diện tích lớn hơn đồng thời tăng số diện tích của tôn lấy sáng lên gấp hai lần so với ban đầu nhằm tận dụng tốt nhất ánh sáng tự nhiên rọi vào phân xưởng sản xuất, bên cạnh việc đáp ứng đủ độ rọi cho quá trình sản xuất mà còn tiết kiệm điện năng sử dụng cho hệ thống chiếu sáng.
 
Một số hình ảnh sử dụng nguyên liệu, nước chưa hiệu quả:
 
              Cao su rơi vãi ở công đoạn xe cẩu đổ lên băng chuyền và công đoạn cắt miếng 

Nước đọng trên nền sàn xưởng sản xuất

Văn phòng CPSI