Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 12:36 GMT+7

Tin hoạt động

Tiềm năng tiết kiệm điện và nước tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh

14/11/2017

Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh tập trung vào sản xuất sản phẩm chính là mực ống. Công ty xuất khẩu 80% sản lượng sang thị trường Nhật bản, 20 % còn lại chủ yếu là các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan và thị trường EU. Năm 2006, khi xây dựng nhà máy tại Lô 2 khu công nghiệp Vũng Áng, Công ty đã đầu tư mới toàn bộ máy móc có xuất xứ từ Nhật bản, máy móc trang thiết bị đồng bộ cũng là một trong những điều kiện quan trọng giúp Công ty sản xuất ra những sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của khách hàng.
 
Các nguồn phát sinh chất thải trong quá trình sản xuất của Công ty gồm nước thải sinh hoạt phát sinh từ khu vực văn phòng, từ các hoạt động vệ sinh của công nhân viên và từ nhà ăn, nước thải từ việc giặt đồ bảo hộ. Lưu lượng thải khoảng 50 m3/ngày. Nước thải sản xuất chủ yếu phát sinh từ các hoạt động phụ trợ như rửa nguyên liệu, vệ sinh khay đựng thực phẩm, vệ sinh nhà xưởng, làm mát thiết bị…
 
Chất thải rắn sinh hoạt gồm rác thải từ khu văn phòng, khu nhà ăn với khối lượng rác thải khoảng 200- 1000kg/ngày. Chất thải rắn sản xuất gồm bao bì nhựa khoảng 100 kg/tháng, bao bì giấy 200 kg/tháng và các phế phẩm sau sơ chế khoảng 2000kg/tháng.
 
 
Ảnh: Phân xưởng chế biến của công ty
 
Suất tiêu thụ điện trung bình của Công ty ước tính khoảng 850-1000 kWh/TSP. So sánh chỉ số này với chỉ số định mức ngành thì suất tiêu hao điện nằm ở mức tốt của ngành thủy sản, vì vậy tiềm năng tiết kiệm điện tại Nhà máy không nhiều. Trong khi đó suất tiêu thụ nước hiện tại trung bình của Công ty khoảng 80-100 m3/TSP. So sánh với định mức tiêu thụ nước của Ngành thì thấy lượng nước chênh lệch có thể tiết kiệm được là 32,03 % trở lên. Vấn đề kiểm soát chất lượng nước thải nhằm giảm thiểu chất thải rắn, nội tạng mực theo dòng thải vào hệ thống xử lý nước thải cũng cần được chú ý. Công ty nên cân nhắc các biện pháp thu gom chất thải rắn trong sản xuất triệt để hơn.
 
Hiện tại, nhà máy chưa có hệ thống quản lý nước. Vì vậy, cần gắn đồng hồ theo dõi nước tại Công ty và thiết lâp các biểu mẫu theo dõi tình hình sử dụng nước. Vòi xả nước tại các khâu như rửa khay chứa nguyên liệu, giặt đồ bảo hộ, vệ sinh sàn nhà… đang xả với mức lớn. Cần lắp van tại đầu vòi nước của tất cả các vòi nước có trong nhà xưởng và thay các vòi nước có đường kính nhỏ, tăng áp lực giúp công tác vệ sinh tốt và tiết kiệm nước hơn.
 
Đánh giá về tình hình tiêu thụ điện năng, các đối tượng cần giám sát trong nhà máy gồm băng chuyền IQF, tủ đông tiếp, tủ đông gió, máy đá vảy, kho lạnh, thiết bị làm lạnh nước. Qua tính toán mức tiêu thụ điện của Công ty và so sánh với định mức tiêu thụ điện tham khảo ngành thủy sản cho thấy cơ hội tiết kiệm điện của Công ty nằm trong khoảng: 35-185 kWh/TSP.
 
Một số giải pháp đề xuất là thiết lập hệ thống quản lý điện năng đối với các bộ phận tiêu thụ điện chính trong nhà máy, bảo dưỡng định kỳ máy móc thiết bị và tiến hành khoán định mức tiêu thụ điện cho từng khu vực, do đó cần theo dõi số liệu và khoán định mức lượng điện tiêu thụ cho từng bộ phận. 
 
Trần Trang