Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 09/11/2024 | 09:38 GMT+7

Tin hoạt động

Khuyến công Ninh Thuận: Giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực

26/02/2017

Ninh Thuận hiện có trên 5.570 doanh nghiệp, cơ sở CNNT, hầu hết đều có quy mô nhỏ lẻ, thiết bị lạc hậu; tình trạng thiếu vốn cho sản xuất, đầu tư thường xuyên diễn ra. Sự phát triển của CNNT trên địa bàn tỉnh không đồng đều do cơ hội đầu tư cũng như mức độ quan tâm của chính quyền các huyện, thị và thành phố khác nhau. Chính sách thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh cũng chưa hấp dẫn khiến các cơ sở chưa mạnh dạn đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển sản xuất. Vì vậy, CNNT của tỉnh vẫn trong tình trạng chậm phát triển, chất lượng sản phẩm chưa cao, khả năng cạnh tranh hạn chế, tỷ trọng CNNT trong cơ cấu kinh tế còn thấp. Điều này cũng ảnh hưởng tới việc tìm kiếm đối tượng thụ hưởng và triển khai công tác khuyến công của tỉnh.

Để giúp các cơ sở CNNT có thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển sản xuất, những năm qua, khuyến công Ninh Thuận đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực triển khai nội dung ứng dụng và đổi mới thiết bị máy móc. Riêng năm 2016, cả 3 đề án khuyến công quốc gia của tỉnh đều thuộc nội dung này.

Cụ thể, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh (trung tâm) đã hỗ trợ Công ty TNHH MTV Mỹ Viên thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất gạch Terrazzo”. Được sự hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công đơn vị thụ hưởng đã đầu tư 2 máy ép gạch Terrazzo bán tự động TPC OP3, công suất 210 m2/8 giờ và 1 máy mài tự động 4 đầu, công suất 2.500 viên/8 giờ với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Các thiết bị mới sau khi được đưa vào sản xuất đã giảm chi phí lao động, đa dạng hoá sản phẩm trên thị trường, mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.

Trung tâm cũng đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Châu Toàn thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất củi ép”. Đề án có tổng kinh phí thực hiện 478 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ 200 triệu đồng. Thực hiện đề án, đối tượng thụ hưởng đã đầu tư 1 máy băm gỗ di động Model MBGDĐ-8T, năng suất 8 tấn/giờ và 1 máy nghiền gỗ Model: MNG-5T, công suất 5 tấn/giờ. Theo kết quả nghiệm thu, đơn vị thụ hưởng đã hoàn thành đề án theo đúng hợp đồng, thiết bị hoạt động ổn dịnh giúp doanh nghiệp tăng năng suất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Theo đại diện Sở Công Thương Ninh Thuận, mặc dù đã tích cực thực hiện tuy nhiên lượng cơ sở nhận được sự hỗ trợ của hoạt động khuyến công chưa nhiều và chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong ngành CNNT tỉnh. Nguyên do, hầu hết số cơ sở CNNT quy mô nhỏ, không đủ điều kiện thụ hưởng. Tỉnh chưa hình thành được mạng lưới khuyến công từ cấp huyện đến cấp cơ sở khiến công tác khảo sát thực hiện chưa tốt, chưa đa dạng các đối tượng thụ hưởng.

Để khắc phục những khó khăn trên, tiếp sức cho doanh nghiệp, cơ sở CNNT tỉnh sẽ xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình khuyến công sát với thực tế và hiệu quả; chú trọng khuyến khích các đề án ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ, xây dựng thương hiệu... nhằm giúp cơ sở CNNT nâng cao năng lực và cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo cấp huyện về công tác khuyến công nhằm tìm ra những chương trình, đề án trọng tâm của địa phương. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên từ cấp huyện đến cơ sở, đây sẽ là lực lượng nòng cốt đề xuất và trực tiếp triển khai chương trình khuyến công.

Là địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, Ninh Thuận đề nghị Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) quan tâm, tăng nguồn kinh phí hỗ trợ hàng năm nhằm tạo thuận lợi cho tỉnh đẩy mạnh hơn nữa hoạt động khuyến công.