Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 18:04 GMT+7

Tin hoạt động

Chuyện về người sáng chế máy xay rác thải rau quả thành phân bón

09/04/2018

Có được điều này nhờ sáng chế của ông Nguyễn Hòa, 56 tuổi, người chế tạo ra hệ thống máy xay để chuyển rác thành phân. Ông Hòa cho biết, phải mất hơn 5 tấn thép, tiêu tốn hơn 300 triệu đồng mới hoàn thiện được hệ thống này.
 
Trước đó, gần ba tháng nay, Chợ nông sản TP Đà Lạt không còn phải đối mặt với những đống rác khổng lồ, cùng mùi hôi của rác phân hủy. Ông Nguyễn Hòa đã chế tạo ra hệ thống máy xay để chuyển rác thành phân rác để giải quyết vấn đề trên.
 
Sau mấy tháng vận hành thử nghiệm, dây chuyền máy xay rác ở khu Chợ rau Trại Mát, Đà Lạt đã sản xuất mỗi ngày bảy, tám tạ phân bón có tác dụng khá tích cực cho cây trồng.
 
Hệ thống là tổ hợp gồm: Máy xay rác (chủ yếu phế thải, lá già của các loại rau củ) cấu tạo gần giống như một máy xay sinh tố, nhưng kích thước lớn hơn. Sau đó qua máy ép cho khô nước, tiếp theo là máy đánh tơi và cuối cùng là máy trộn với một số loại phân, vôi để cho ra phân thành phẩm. Hiện mỗi ngày, ông xử lý hơn 20 tấn rác thải của chợ nông sản để cho ra hơn 1,5 tấn phân thành phẩm.
 
Cũng theo ông Nguyễn Hòa kể rằng, ông rất thích khám phá, độ chỉnh, thay thế và tự chế tạo các thiết bị máy móc các loại từ khi còn là học sinh phổ thông. Nhưng cuộc đời ông lại đi vào con đường doanh nghiệp nên không có điều kiện đi học nghề cơ khí ngày nào. Năm 2009, được cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng và của thành phố Đà Lạt cho phép thành lập Doanh nghiệp tư nhân Môi trường xanh Đà Lạt, ông Hòa nghĩ đến trước hết là việc xử lý rác thải đổ về hồ Xuân Hương khi mùa mưa đến. Ông đầu tư đến 200 triệu đồng mua một đầu máy xúc rồi tự chế trên đó một chiếc rổ cạp bằng sắt, cạp rác thải từ dưới lòng hồ lên bờ.
 
Có ngày mưa lớn, chiếc rổ cạp tự chế của ông vớt đến hơn 500 mét khối rác để làm sạch hồ Xuân Hương. Nhưng rác vớt lên bờ lại phải qua một đoạn đường vận chuyển trên xe tải đến mấy cây số để đổ ra bãi rác tập trung của thành phố Đà Lạt. Bởi vậy việc vớt rác ở đây chỉ là giải pháp tạm thời. Giải pháp lâu dài mà ông Hòa hướng đến là phải có hệ thống máy chuyên biệt xử lý rác thải tại chỗ. Ý tưởng tự chế máy chế biến rác thành phân bón của ông Hòa xuất phát từ đây. Và khu vực có nguyên liệu rác để sản xuất phân bón thử nghiệm từ dây chuyền máy móc tự chế của ông Hòa là khu Chợ rau Trại Mát, Đà Lạt- nơi hàng tháng phải chi trả trên 35 triệu đồng cho việc thu gom rác.
 
Nay thì tất cả khối lượng rác hàng ngày ở chợ này được dây chuyền máy móc của ông Hòa nghiền nát thành phân bón với công suất 20 tấn rác tươi như đã nêu trên, được Uy ban nhân dân thành phố Đà Lạt và cơ quan bảo vệ môi trường của Pháp chọn làm cơ sở sản xuất phân rác thử nghiệm của Đà Lạt- Lâm Đồng. Được biết, ban đầu, nông dân quanh vùng Trại Mát đã sử dụng phân bón từ rác chế biến của ông Hòa có tác dụng trên cây cà phê xanh tốt và tỉ lệ quả đậu lại trên cành tương đối nhiều.
Một số nông dân như ông Đoàn Hân từ huyện Di Linh đã bón loại phân nói trên cho cây cà phê cho biết Sau khi bón một tuần thì cà phê đã phát đọt, lá xanh hơn. Mới đây ông Nguyễn Quang Hiệp, Tổng giám đốc công ty cổ phần Bình Điền Lâm Đồng đặt vấn đề: Nếu ông Hòa sản xuất với số lượng lớn, ổn định thì công ty Bình Điền Lâm Đồng sẽ thu mua cả phân lẫn nước ép để tiếp tục chế biến thành phân có hàm lượng dinh dưỡng, độ đạm cao hơn.
 
Chắc chắn trong thời gian tới đây, phân bón rác thải sản xuất từ dây chuyền máy móc tự sáng chế của ông Nguyễn Hòa sẽ được chính thức công bố chất lượng sản phẩm. “Khi đó tôi tiếp tục đề nghị được thu gom tất cả lượng rác cây, cỏ, rau, củi, lá…vớt lên từ hồ Xuân Hương và thải ra từ những khu chợ lớn, nhỏ trong thành phố Đà Lạt để chế biến thành phân bón bán ra thị trường. Đồng thời tôi bắt tay vào làm thủ tục với Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng để đăng ký bản quyền sáng chế sản phẩm dây chuyền máy chế biến rác thành phân bón này. ”- Ông Nguyễn Hòa nói.
 
Được biết, sáng kiến của ông Hòa mới đây cũng đã được UBND TP Đà Lạt và Cơ quan Bảo vệ môi trường của Pháp chọn làm cơ sở sản xuất phân rác thử nghiệm của Đà Lạt.
 
Nguồn: moitruongvadothi.vn