Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 23:08 GMT+7

Tin hoạt động

Hiệu quả từ tách chiết dầu dừa bằng công nghệ không gia nhiệt

05/04/2018

Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một công trình nghiên cứu khoa học có hệ thống và ứng dụng thành công về công nghệ chiết tách VCO từ dừa tươi theo phương pháp ly tâm, không sử dụng nhiệt độ cao, không sử dụng hóa chất.
 
Theo đánh giá của Hiệp hội dừa châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam là một quốc gia có năng suất và chất lượng trái dừa cao nhất trong khu vực cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, trình độ sản xuất các sản phẩm về dừa còn thủ công nên chất lượng sản phẩm còn thấp, cạnh tranh trên thị trường yếu. Vào thời điểm năm 2011-2012 giá dừa thấp nhất khoảng 40.000 đồng/12 trái dừa, người dân có xu hướng không gắn bó với cây dừa nữa. 
 
Đoàn công tác Bộ KH&CN cùng với các nhà khoa học thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ đã đi khảo sát về tình hình sản xuất chế biến dừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó lấy Bến Tre làm trọng tâm vì Bến Tre là “Thủ đô của dừa”.
 
Kết quả khảo sát thực tế sản xuất dầu dừa tinh khiết tại Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre) cho thấy năm 2013, Công ty này sản xuất VCO theo công nghệ ép từ cơm dừa khô (copra) đã qua sấy với năng suất đạt 100-200 tấn/năm. Chất lượng VCO theo công nghệ này đạt mức độ trung bình, chủ yếu tiêu thụ trong nước vì chưa đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế, nên chưa xuất khẩu được vào Mỹ hoặc có xuất khẩu chỉ tiểu ngạch, giá trị thấp.
 
Mong muốn của Công ty Lương Quới nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung là đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng VCO đạt chuẩn quốc tế theo APCC đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ và EU.
 
Từ thực tế trên, Lãnh đạo Bộ KH&CN đã giao TS. Nguyễn Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Sinh học Thực nghiệm thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt”. Đây là nhiệm vụ thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020.
 
Từ đó, nhà khoa học và doanh nghiệp đã có tiếng nói chung và kết quả đã thành công trong đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất VCO. Tổng kinh phí đầu tư dây chuyền thiết bị là 22,9 tỷ, trong đó ngân sách nhà nước là 7,3 tỷ đồng, đối ứng của doanh nghiệp là 15,6 tỷ đồng.
 
Dây chuyền sản xuất ứng dụng công nghệ không gia nhiệt đã đi vào hoạt động tháng 8/2017, với năng suất đạt 5.000.000 lít/năm (1.000 lít VCO/1 giờ) tương đương 15.000 trái dừa/giờ, khoảng 75 triệu trái dừa/năm, chiếm 13% tổng sản lượng dừa của toàn tỉnh Bến Tre (năm 2016, toàn tỉnh Bến Tre diện tích dừa 70.000ha, năng suất 595 triệu trái /năm). Chất lượng sản phẩm VCO đạt tiêu chuẩn quốc tế (theo APCC)  đã được cấp US FDA đáp ứng được yêu cầu của thị trường Mỹ và BRC food vào thị trường EU.
 
Theo Thống kê của Hiệp hội dừa Bến Tre, năm 2016 Việt Nam xuất khẩu 193 tấn VCO/năm (VCO công nghệ ép lạnh). Nay với dây chuyền năng suất 5.000 tấn/năm tăng năng lực xuất khẩu lên 26 lần.
 
Nhờ đổi mới công nghệ đã nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm VCO từ trái dừa tăng trên 1.000 USD/ tấn sản phẩm (công nghệ ép lạnh 4.000USD/tấn, công nghệ mới trên 5.000 USD/ tấn). Doanh thu đạt 750 tỷ đồng/năm.
 
“Theo Hiệp hội Dừa Châu Á Thái Bình Dương (APCC), nhu cầu thế giới về VCO là 3 triệu tấn/năm có xu hướng tăng 10%/năm. Như vậy, với việc đổi mới công nghệ cho sản phẩm VCO, Bến Tre – Việt Nam đã có thị phần VCO trên trường quốc tế. Điều quan trọng là Việt Nam đã áp dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm từ trái dừa, hướng tới giảm xuất khẩu nguyên liệu thô”, TS. Nguyễn Phương cho hay.
 
Nhờ đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất trên đã giúp nâng cao 25% giá trị cho sản phẩm dầu dừa tinh khiết khi xuất khẩu. Đó chỉ là một trong rất nhiều những dự án cho thấy các doanh nghiệp trong nước đã và đang đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao một cách bài bản và bền vững.
 
Nguồn: vietnamnet.vn