Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:21 GMT+7

Tin hoạt động

Tiết kiệm từ tái chế giấy

26/03/2018

–         24 cây rừng tự nhiên
 
–         Lượng Oxy đủ cho 12 người thở trong 1 năm
 
–         39.084 lit nước đủ cho 875 lần tắm, mỗi lần 5 phút, đủ để sử dụng cho 3.000 lần dội toilet
 
–         Gần 4.000 kWh điện đủ dùng cho cả một căn nhà 3 phòng ngủ trong 1 năm
 
–         605 lit dầu thô
 
–         Hạn chế một lượng khí CO2 tương đương với lượng khí thải của 1 chiếc ô tô trong 6 tuần (giảm 95% lượng khí thải ô nhiễm so với quá trình sản xuất 01 tấn giấy từ gỗ).
 
Tại Việt Nam, thống kê năm 2008 cho thấy mỗi ngày có trên 220 tấn giấy được thải ra, trong số đó, chỉ có khoảng 25% là được tái chế lại, phần còn lại bị phân hủy theo nước hoặc lẫn vào các loại rác thải khác và không thể tái chế. Ở các nước tiên tiến trên thế giới, việc tái chế và sử dụng giấy tái chế là một hành động rất được hoan nghênh. Tỉ lệ thu hồi giấy ở Nhật là 70%, Thái Lan là 65%, Malaysia là 80%. So với con số 25% ở Việt Nam thì rõ ràng tỉ lệ thu hồi giấy của chúng ta thuộc loại thấp nhất trong khu vực.
 
Tại Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn, hoạt động tái chế giấy sản xuất ra các sản phẩm sử dụng làm bao bì,… được triển khai từ năm 2004. Năm 2010, công ty dự kiến sẽ tái chế trên 108 ngàn tấn giấy. Với lượng giấy tái chế này, có thể góp phần tiết kiệm 3,3 triệu m3 nước, 3,4 triệu cây xanh và 11,4 tỷ KWh điện.
 
Tái chế giấy nghĩa là giảm đi lượng giấy chôn lấp hay phải đốt bỏ. Điều này làm giảm ô nhiễm không khí và nước, cũng như khí nhà kính thoát ra khi giấy phân huỷ ở bãi chôn lấp. Khí nhà kính thoát ra từ bãi chôn lấp gồm mê tan và CO2. Methan là loại khí có năng lực bẫy nhiệt gấp 21 lần CO2, là một loại khí nhà kính mạnh và góp phần làm thay đổi khí hậu toàn cầu. Tổ chức môi trường EPA của Mỹ đã coi các bãi chôn lấp rác là nguồn thoát khí methan lớn ra ngoài khí quyển và coi việc phân huỷ giấy là một nguồn quan trọng nhất của khí methan ở bãi rác.
 
Cuối cùng bằng cách giảm lượng giấy cần chôn lấp, tái chế giúp ta tránh được khí methan và các chất ô nhiễm khác và làm giảm nhu cầu cần tăng thêm bãi chôn rác. Bên cạnh việc giảm phát thải khí nhà kính, tái chế giấy đã qua sử dụng có thể cắt giảm sự phát sinh của các khí độc khác như ô xít ni tơ (tạo nên sương khói) và các chất hạt (sinh ra các bệnh về đường hô hấp).
 
 
Tái chế một tấn giấy sẽ tiết kiệm được hơn 4.000 kwh điện
 
“Một tấn giấy tái chế sẽ giúp ta tiết kiệm được 32 m3 nước, số nước này đủ để dội cho 3000 toilet công cộng”, bà Trần Thị Mỹ Diệu ở trường Đại học Văn Lang, TP HCM, tính toán.
 
Đưa ra những lý do vì sao cần tái chế giấy tại Hội thảo Quản lý rác bao bì nhựa vá giấy hôm 18/8, bà Diệu cho biết khi tái chế một tấn giấy sẽ tiết kiệm được 4.200 kwh năng lượng điện. Số này đủ dùng cho 1 hộ gia đình có 4 người trong một năm. Đồng thời tái chế một tấn giấy cũng sẽ giúp thành phố giảm khai thác 17 cây xanh, tính về mặt bảo vệ môi trường.
 
Đồng tình, ông Nguyễn Trọng Nhân thuộc Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM cho biết: “Để sản xuất một tấn bột giấy cần đến 5 m3 gỗ và 100 m3 nước. Vì vậy nếu phân loại và tái chế giấy tốt sẽ giúp tài nguyên rừng và nước được bảo vệ lâu dài”.
 
Theo Viện kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường TP HCM, trong năm nay, các nhà sản xuất sẽ làm ra hơn 760 nghìn tấn bao bì nhựa và 800 nghìn tấn bao bì giấy. “Trong khi phải mất đến 400 năm tự nhiên mới có thể phân hủy hết loại rác thải nguy hại này”, ông Phạm Hồng Nhật, một chuyên gia trong lĩnh vực này cho hay.
 
 
Với đô thị ngày một phát triển như TP HCM, các loại bao bì nhựa và giấy đang trở thành nỗi ám ảnh của việc bảo vệ môi trường. “Hiện tại, thành phố có khoảng trên 700 cơ sở thu mua phế liệu với đủ loại nhưng nhiều nhầt là giấy và nhựa nhưng quy mô của các cơ sở này là nhỏ nên việc tái chế thường lạc hậu và gây ô nhiễm nặng nề với môi trường xung quanh”, ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM nói về hiện trạng tái chế.
 
Ngoài lý do khách quan từ địa phương, ông Việt cũng cho rằng chính việc nhà nước chưa có chủ trương cụ thể trong việc quản lý tái chế bao bì cũng là nguyên nhân khiến rác thải loại này đang bị bỏ chơi vơi giữa môi trường.
 
Tái chế đang làm cho có, các cơ chế chính sách ưu đãi hiện chỉ còn trên văn bản chưa đi vào thực tế. “Người đi siêu thị nên sử dụng loại túi dùng nhiều lần, thải rác nên phân loại để tiện cho việ tái chế”, một chuyên gia nói.
 
Lâu dài hơn, ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ tái chế TP HCM đề ra giải pháp nên thu phí sử dụng bao bì nguy hại để giảm thiểu mức thấp nhất, cũng như tạo cho người dân thói quen cân nhắc khi dùng bao gì nhựa hay giấy.
 
“Bao bì giấy nên làm nguồn rừng tái sinh, rừng trồng mới có nguồn gốc rõ ràng. Mặt khác nên khuyến khích người dân tham gia tích cực vào việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường”, bà Từ Bích Nguyệt, phụ trách môi trường Công ty Tetra Pak, đơn vị đầu tiên chạy thủ nghiệm việc tái chế vỏ hộp giấy tại nhà máy Thuận An – tỉnh Bình Dương năm 2004, đề xuất.
 
 
Lợi ích kinh tế và tiết kiệm năng lượng từ tái chế giấy
 
Không chỉ bảo vệ môi trường, tái chế giấy còn góp phần tiết kiệm năng lượng và mang lại lợi ích kinh tế.
 
Tại hội thảo quốc tế về “Tái chế bao bì giấy đã qua sử dụng”, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành giấy tích cực hơn trong việc thu hồi và tái chế giấy đã qua sử dụng. Bởi lẽ hoạt động này không chỉ tận dụng được tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường mà còn tiết kiệm điện năng, nước và tăng thêm việc làm.
 
Tiết kiệm năng lượng
 
Về mặt năng lượng thuần túy, sản xuất giấy tái chế (từ giấy đã qua sử dụng làm từ bột hóa) dùng năng lượng mua ngoài (ở dạng nhiên liệu hoặc điện) nhiều hơn một chút so với sản xuất giấy từ gỗ. Các chất thải trong quá trình sản xuất bột sẽ được đốt thu hồi hóa chất và nhiệt, nhiệt này dùng lại cho quá trình sản xuất bột và giấy. Trong khi đó, sản xuất giấy tái chế (từ giấy đã qua sử dụng làm từ bột cơ) dùng năng lượng mua ngoài ít hơn nhiều so với sản xuất giấy nguyên thủy. Quá trình sản xuất bột cơ không thể thu hồi được nhiệt.
 
Về mặt nguồn gốc năng lượng cần dùng trong sản xuất giấy nguyên thủy thì bản chất vẫn là gỗ. Việc đốt gỗ hay nhiên liệu khác như than đá, dầu mỏ… để lấy năng lượng đều tạo ra khí gây ô nhiễm. Trong khi các nhiên liệu khác không thể tái sinh thì gỗ có thể trồng lại. Phân tích này cho thấy dù sản xuất giấy tái chế dùng nhiều nhiên liệu hơn sản xuất giấy nguyên thủy thì sản xuất giấy tái chế vẫn tạo ra ít khí nhà kính hơn sản xuất giấy nguyên thủy.
 
Thông thường, vị trí các nhà máy giấy là gần rừng và xa nguồn giấy thải. Tuy nhiên, sản xuất giấy tái chế vẫn dùng ít năng lượng hơn sản xuất giấy nguyên thủy, tính cả năng lượng dùng để thu gom, vận chuyển và tái chế giấy. Bởi lẽ năng lượng cần để thu lại giấy đã qua sử dụng và đưa trở lại nhà máy là quá nhỏ so với năng lượng tiết kiệm được khi dùng giấy thải thay cho việc dùng gỗ để sản xuất tờ giấy mới. Sản xuất giấy nguyên thủy cũng cần năng lượng để chặt, thu gom và vận chuyển cây gỗ đến nhà máy. So sánh việc chặt và vận chuyển 2,2-4,4 tấn gỗ cho mỗi tấn bột giấy so với vận chuyển 1,4 tấn giấy thải cho sản xuất một tấn bột tái chế, có thể thấy tái chế giấy có khả năng tiết kiệm hơn nhiều.
 
Nhìn chung, sản xuất giấy bằng tái chế giấy hiệu quả hơn sản xuất giấy từ gỗ, vì việc tách xơ sợi và tẩy trắng đã được làm trước đó. Sản xuất giấy bằng tái chế giấy sử dụng ít năng lượng, nước và hóa chất hơn, đồng thời thải ra không khí và nước ít chất độc hại hơn.
 
Lợi ích bài toán kinh tế
 
Theo tính toán, một tấn giấy tái chế tiết kiệm được 32 m3 nước (đủ để dội 3.000 toilet công cộng), tiết kiệm được 4.200 kWh năng lượng điện (đủ dùng cho một hộ gia đình có bốn người trong một năm). Để sản xuất một tấn bột giấy cần đến 5 m3 gỗ và 100 m3 nước. Vì vậy, tái chế giấy sẽ góp phần bảo vệ lâu dài tài nguyên rừng và nước.
 
Giấy có thể tái chế tới sáu lần trước khi chôn lấp hoặc đốt bỏ nên mang lại lợi ích kinh tế lớn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Khi công nghệ sản xuất giấy tái chế được cải tiến và hoàn thiện, lợi ích kinh tế do việc tái chế giấy mang lại sẽ ngày càng tăng.
 
Chẳng hạn, xơ sợi tái chế không chỉ dùng để sản xuất giấy làm bao bì, giấy in báo, giấy tissue mà còn dùng để pha trộn với bột nguyên thủy trong sản xuất các loại giấy cao cấp. Ngày nay, xơ sợi tái chế có trong hầu hết các loại giấy thương mại. Nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chi phí sản xuất giấy tái chế ngày một giảm và chất lượng xơ sợi tái chế ngày càng tăng. Chất lượng bề mặt giấy, độ bền giấy… ngày càng đáp ứng đòi hỏi khắt khe của thị trường.
 
Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, nhu cầu giấy trong nước hiện đạt hơn 1,8 triệu tấn mỗi năm. Trong khi đó, sản xuất trong nước mới chỉ cung cấp được 1,13 triệu tấn, phần còn thiếu phải nhập khẩu. Trong tổng số giấy sản xuất trong nước, có tới 70% là nguyên liệu từ nguồn giấy tái chế. Tuy nhiên, hiện chỉ có 25% giấy đã qua sử dụng được thu hồi. Tỉ lệ thu hồi giấy đã qua sử dụng ở Việt Nam hiện thuộc loại thấp nhất trong khu vực. Các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc có tỉ lệ thu hồi giấy lần lượt là 65%, 31%, 61,4%, 88%, 67%.
 
Quả là nghịch lý khi một lượng lớn giấy có thể tái chế lại bị tiêu hủy một cách lãng phí trong khi Việt Nam phải nhập khẩu một lượng giấy phế liệu, giấy tái chế khổng lồ từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất giấy.