Một phần nguyên liệu xi măng trong sản xuất gạch không nung được thay thế bằng các thành phần phụ gia khác như: bột đá, cát nhân tạo, giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 4 - 10% chi phí đầu vào nhưng vẫn đảm bảo chất lượng viên gạch. Quy trình sản xuất sử dụng xe nâng, máy xúc, hệ thống máy tự động rung ép thủy lực… và vận hành tuần hoàn, khép kín từ khâu đầu vào nguyên liệu đến ra thành phẩm, giúp giảm số gạch không đảm bảo tiêu chuẩn và tái sử dụng lại để sản xuất. Với quy trình hoạt động này, doanh nghiệp không những tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho chi phí sản xuất mà còn giảm phát thải ra không khí gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe người lao động.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động đầu tư các công nghệ sản xuất mới, hiện đại; cải tổ lại quy trình hoạt động để hướng tới sản xuất sạch hơn. Điển hình như: Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn, Công ty bia Thanh Hóa, Công ty Xi măng Bỉm Sơn, Công ty Cổ phần nông sản Phú Gia... Theo đánh giá, việc áp dụng sản xuất sạch hơn giúp các doanh nghiệp tiết giảm từ 3 - 10% chi phí nguyên nhiên vật liệu, giảm từ 20 - 30% tiêu hao nước trong sản xuất. Ngoài ra, doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn còn có cơ hội tiếp cận nguồn ưu đãi tài chính của nhà nước.
Từ năm 2010 đến nay, Sở Công thương Thanh Hóa đã tổ chức 2 hội thảo, 6 khóa đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ thực hiện 35 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, 8 đề án trình diễn kỹ thuật mô hình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai, áp dụng thực hiện sản xuất sạch hơn tại Thanh Hóa vẫn gặp những trở ngại nhất định, đó là: nguồn kinh phí hỗ trợ cho chương trình còn hạn chế. Trong khi việc chủ động nguồn vốn đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020, 90% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn; 50% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn. Để thực hiện được mục tiêu này, Sở Công thương Thanh Hóa đang tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh việc phổ biến, nhân rộng các mô hình áp dụng thành công sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Đồng thời xây dựng đội ngũ tư vấn đủ năng lực, kỹ năng để hỗ trợ, giúp cho doanh nghiệp chủ động trong việc lựa chọn và áp dụng các phương thức sản xuất sạch hơn hiệu quả.