Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 25/11/2024 | 13:02 GMT+7

Tin hoạt động

EVNNPT: Ứng dụng khoa học công nghệ để vào top đầu khu vực Đông Nam Á

20/10/2017

Tại buổi sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/ĐU của Đảng ủy EVNNPT về đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới giai đoạn 2016 - 2020, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) ông Nguyễn Tuấn Tùng cho biết, những năm qua, Tổng công ty luôn tích cực coi trọng việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào công tác sản xuất, quản lý vận hành, qua đó, góp phần tăng cường hiệu quả công việc, bảo đảm lưới điện truyền tải vận hành ổn định, an toàn, liên tục.
 

 
 

Theo ông Tùng, xác định khoa học công nghệ là một trong những động lực quan trọng để xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ, hiện đại, EVNNPT đang nỗ lực đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, đẩy mạnh ứng dụng nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất lao động.
 

 
 

Trong giai đoạn 2011- 2016, cán bộ, công nhân trong toàn Tổng công ty có hàng trăm đề tài, giải pháp KHCN được ứng dụng, với giá trị hàng chục tỷ đồng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty như: Ứng dụng dây dẫn chịu nhiệt cao để nâng cao khả năng truyền tải của dây dẫn; Nghiên cứu đề xuất trang bị thiết bị định vị sự cố cho các đường dây (ĐZ) 500 kV, 220 kV giúp giảm thời gian tìm kiếm, khắc phục sự cố…
 

 
 

Nhiều đề tài, công trình nghiên cứu của các cán bộ, công nhân thuộc EVNNPT đã được các ban ngành chức năng tặng bằng khen. Điển hình như kỹ sư Nguyễn Tiến Dũng  - Giám đốc Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện đoạt giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam với đề tài “Quy trình công nghệ bảo dưỡng, sửa chữa máy biến áp 500kV tại hiện trường”, hay Đề tài “Vệ sinh sứ cách điện khi đang mang điện bằng nước áp lực cao” của anh Nguyễn Văn Xuân - Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 là Chủ nhiệm đề tài, đã đạt giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam…
 

 
 

Nhiều đề tài ứng dụng công nghệ mới trong vận hành, sửa chữa cũng được đánh giá cao và được áp dụng hiệu quả trong vận hành, quản lý của các đơn vị như: Ứng dụng công nghệ chống sét van cho các ĐZ nhằm giảm sự cố do sét đánh. Nghiên cứu đề xuất trang bị thiết bị định vị sự cố cho các ĐZ 500 kV, 220 kV giúp giảm thời gian tìm kiếm, khắc phục sự cố. Ứng dụng thiết bị giám sát dầu online cho máy biến áp (MBA) và kháng điện 500kV. Trong đầu tư xây dựng, các cán bộ EVNNPT đã sử dụng sứ cách điện composite, xà cách điện composite; ứng dụng công nghệ trạm biến áp (TBA) GIS như tại TBA 220 kV Thành Công (Hà Nội); trạm điều khiển tích hợp; trung tâm điều khiển xa TBA không người trực, nghiên cứu thử nghiệm thiết bị bay (FLYCAM) để kiểm tra đường dây...
 

 
 

Về hiệu quả ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) ông Trần Minh Tuấn cho hay, tại những nơi mà đơn vị lắp đặt thiết bị định vị sự cố cho thấy hiệu quả rất cao. Trước đây nếu như có sự cố, anh em quản lý ĐZ có khi phải băng rừng, trèo núi hàng km mới tìm thấy điểm sự cố, thì nay với thiết bị này đã giúp khoanh vùng sự cố chỉ trong vòng một khoảng cột ĐZ. PTC1 cũng đang phối hợp các đơn vị trong nước và nước ngoài nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ sửa chữa thiết bị đang mang điện, nhất là các ĐZ 500 kV, 220 kV, qua đó, hạn chế thời gian phải cắt điện phục vụ sửa chữa, thi công.
 

 
 

“Đến nay, phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất đã đi sâu vào cán bộ công nhân viên toàn Tổng công ty. Mỗi năm, các đơn vị có hơn 250 sáng kiến, giá trị làm lợi ước tính hàng chục tỷ đồng. Các đề tài nghiên cứu khoa học này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất, nhiều dự án còn giúp phát hiện sớm nguy cơ sự cố, giảm thiểu sự cố đường dây, tăng năng lực truyền tải, giảm chi phí trong công tác quản lý vận hành”, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Tuấn Tùng cho hay.
 

 
 

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác ứng dụng KHCN, song lãnh đạo EVNNPT cũng thẳng thắn khi thừa nhận hiện đơn vị gặp không ít khó khăn trong việc triển khai. Các đơn vị hiện vẫn chưa chủ động trong việc nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị bên ngoài để tìm kiếm và ứng dụng các công nghệ mới trong vận hành và đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải. Bên cạnh đó, phong trào nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật vẫn chủ yếu xuất phát từ các cá nhân, chưa thành phong trào mang tính tập thể.

 
 

“Hoạt động nghiên cứu khoa học” còn yếu do nhân lực về KHCN chưa mạnh. Nhiều cán bộ công nhân viên vẫn quen lối mòn trong công tác, chưa ý thức được việc phát huy sáng kiến xung quanh công việc hàng ngày, đại diện Lãnh đạo EVNNPT cho hay.
 

 
 

Theo lãnh đạo EVNNPT, với quyết tâm đạt được mục tiêu trở thành một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu khu vực Đông Nam Á vào năm 2020, Tổng công ty đã đặt mục tiêu “nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ, hiện đại”, với một số chỉ tiêu chính như: đến năm 2020 đảm bảo chỉ tiêu xử lý sự cố lưới điện 500 kV, 220 kV trung bình là 30 phút; tổng sản lượng điện truyền tải không cung cấp là 0,0038%; tổn thất điện năng 1,8%. Cùng đó, hệ thống truyền tải điện quốc gia đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1 cho các thiết bị chính và tiêu chuẩn N-2 tại một số khu vực quan trọng; 60% trạm biến áp 220 kV vận hành theo tiêu chí không người trực... 
 

 
 

Hiện nay, EVNNPT đang triển khai thực hiện một số chương trình, đề án: Chiến lược phát triển EVNNPT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040 với mục tiêu chiến lược: “Đến năm 2020 EVNNPT trở thành một trong bốn tổ chức TTĐ hàng đầu ASEAN, năm 2025 trở thành một trong các tổ chức TTĐ thuộc 10 nước hàng đầu châu Á và đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện”; Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, với trọng tâm là đào tạo cán bộ kỹ thuật và xây dựng đội ngũ chuyên gia kỹ thuật giỏi, đẳng cấp quốc tế; Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ thông tin vào các lĩnh vực hoạt động; Đánh giá thực trạng hệ thống truyền tải điện quốc gia để có giải pháp khắc phục các tồn tại; Phát triển lưới điện thông minh; Xây dựng trạm biến áp không người trực; Ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới trong công tác sửa chữa đường dây và trạm biến áp đang mang điện (live working), ...
 

 
 

EVNNPT đã và đang tìm hiểu, học tập kinh nghiệm, xây dựng quan hệ hợp tác với các tổ chức truyền tải điện tiên tiến trên thế giới.

EVNNPT đang quản lý và vận hành hệ thống truyền tải điện bao gồm 23.701 km đường dây (trong đó có 7.500 km đường dây 500 kV, 16.201 km đường dây 220 kV); 133 trạm biến áp (trong đó có 27 TBA 500 kV, 106 TBA 220 kV) với tổng dung lượng là 74.625 MVA. Hiện tại, hệ thống truyền tải điện Việt Nam đã kết nối với lưới điện của các nước: Trung Quốc, Lào và Campuchia ở cấp điện áp 220 kV.