Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 18:19 GMT+7

Tin hoạt động

Công nghệ sản xuất phân bón hướng tới mục tiêu ứng phó với BĐKH

30/05/2017

Hiện nay, Việt Nam và thế giới mới chỉ có công nghệ thu cất tinh dầu bằng phương pháp cuốn hơi nước, tức là cho lá vào nồi, đun lên, nước bay hơi, tinh dầu sẽ bay theo, sau đó làm lạnh để đưa tinh dầu và nước vào bình, tinh dầu nổi lên trên sẽ được chiết tách ra. Nhược điểm của cách làm này là thời gian chưng cất quá lâu, khoảng 6 – 12 tiếng, lượng tinh dầu không tập trung, tốn nhiều nguyên vật liệu, nhiên liệu, quy mô chưng cất nhỏ lẻ, lượng bã thải sau chưng cất lớn và chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.
 
TS. Lê Văn Tri đã kết hợp giữa các phương pháp truyền thống và hiện đại để tạo ra công nghệ trung cất tinh dầu mới, khắc phục những hạn chế trên. Công nghệ áp lực phá vỡ tế bào đã được ông sử dụng để chưng cất tinh dầu có thể làm giảm lượng nước tiêu hao xuống hơn 80%, thời gian chưng cất còn 2 giờ/mẻ. Thiết bị được nghiên cứu để tự động hóa hoàn toàn nhờ đó giảm chi phí lao động. Sau thành công ở quy mô pilot, TS. Tri đã cùng các cộng sự thiết kế thiết bị chưng cất quy mô công nghiệp với công suất 50 – 100 tấn lá sả/ngày. Công nghệ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế và đăng ký Nhãn hiệu hàng hóa quốc gia.
 
Ngoài ra, TS nghiên cứu sử dụng nguồn bã thải làm nguyên liệu hữu cơ để sản xuất phân bón vi sinh, hạn chế sử dụng phân bón hóa học. Phân hữu cơ vi sinh lại được bón cho cây sả và các cây trồng khác. Phân vi sinh không chỉ đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết vào đất mà còn chứa một lượng nhỏ tinh dầu, giúp xua đuổi côn trùng có hại cho cây trồng. Theo tính toán, lợi nhuận thu được từ lá và củ sả dao động từ 90 – 110 triệu đồng/ha. Với diện tích 20 ha sả, một nhà máy sản xuất tinh dầu sẽ thu lợi nhuận từ 1,5 – 1,6 tỉ đồng/năm. Tổng hợp quy trình khép kín “trồng sả – thu tinh dầu – sản xuất phân bón” có thể mang lại hiệu quả kinh tế khoảng 143,6 triệu đồng/năm/ha. Hơn nữa, chu kỳ kinh tế của cây sả có thể kéo dài từ 3 – 4 năm. Điều này càng làm gia tăng giá trị kinh tế của cây sả và mô hình “trồng sả – thu tinh dầu – sản xuất phân bón”.
 
Trong thời gian sắp tới, TS. Lê Văn Tri dự định sẽ tiếp tục thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới này vào sản xuất các loại tinh dầu hồi, quế, tràm và đồng thời, quảng bá cho sản phẩm tinh dầu trong nước, góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất tinh dầu nói chung và tinh dầu sả nói riêng.
 
Văn phòng CPSI