Thực tế chuyển giao công nghệ tại Việt Nam
Một thực trạng không mấy sáng sủa là các doanh nghiệp Việt Nam không mặn mà với đổi mới và chuyển giao công nghệ. Trình độ công nghệ của Việt Nam hiện chỉ xếp hạng 92/140 trên thế giới. Tại Tp.Hồ Chí Minh, tỷ lệ DN có trình độ công nghệ xếp hạng trung bình chiếm tới 60 - 70%, trong đó DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ đến 96%.
Hiện tại, Việt Nam đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp FDI nhằm tạo ra quá trình chuyển giao công nghệ của nhà đầu tư nước ngoài cho các DN Việt Nam. Tuy nhiên, công nghệ mà các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao cho Việt Nam đa số chỉ đạt trình độ công nghệ ở mức trung bình, nhiều trường hợp là công nghệ cũ, lạc hậu. Trong khi đó, nhà nước quy định không bắt buộc đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp công nghệ thuộc Danh mục hạn chế chuyển giao. Điều này một mặt giúp doanh nghiệp tự do trong giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ nhưng một mặt lại khiến nhà nước không có công cụ pháp lý để kiểm soát và ngăn chặn được các luồng công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, cũng như hành vi chuyển giá thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ.
Giải pháp là gì?
Hiện nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ đang được lấy ý kiến đã ghi nhận nhiều quan tâm xung quanh vấn đề vị trí của doanh nghiệp (DN) trong cuộc cách mạng chuyển giao công nghệ. Một số DN kiến nghị, cần có chính sách ưu đãi cho mọi DN có chuyển giao công nghệ, chứ không nên phân biệt DN trong khu công nghệ cao với DN tại các khu công nghiệp bình thường.
Những nội dung luật sửa đổi, bổ sung cần quan tâm bao gồm: phát triển thị trường khoa học-công nghệ; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ, quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ…Bên cạnh đó, cần tính đến giải pháp đổi mới phương thức quản lý nhà nước về công nghệ và chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao để giảm thiểu thủ tục hành chính với DN, nhưng vẫn kiểm soát được thông tin, công nghệ.
Văn phòng CPSI