Tăng trưởng xanh là tăng trưởng sử dụng tài nguyên hiệu quả, sạch hơn và tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu. Hiện, ngành công nghiệp sử dụng năng lượng lớn nhất chiếm 43% tổng tiêu dùng năng lượng. Tuy nhiên, hiệu quả thấp, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp và gây tác động đến môi trường.
Ông Trịnh Đức Chiều, Phó Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, 75% số doanh nghiệp chế biến, chế tạo ở Hà Nội được điều tra cho rằng, mức tiêu thụ năng lượng của doanh nghiệp lớn hơn mức trung bình của thế giới. Phần lớn doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ. Năm 2015, chỉ 14% số doanh nghiệp trong ngành chế biến chế tạo được điều tra có công nghệ dưới 3 năm, 53% có công nghệ từ 6 năm trở lên.
Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của sử dụng năng lượng hiệu quả còn cao; tiêu thụ năng lượng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp vẫn cao; cơ cấu chậm thay đổi, đặc biệt là theo hướng giảm mức năng lượng trên sản phẩm. Việc phát triển nguồn năng lượng, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn tự phát và rất hạn chế; số lượng doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng, báo cáo phát triển bền vững còn hạn chế.
“ Nếu sử dụng năng lượng tiết kiệm sẽ mang lại nhiều lợi ích như: tiết kiệm chi phí sản xuất, cải thiện dịch vụ, tăng lợi nhuận, giảm áp lực quốc gia…”, ông Trịnh Đức Chiều nhấn mạnh.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh, ông Trịnh Đức Chiều cho rằng, cần hoàn thiện khung pháp luật về năng lượng, đặc biệt khung pháp luật về chính sách khuyến khích, hỗ trợ sử dụng năng lượng hiệu quả. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững, chương trình Nghị sự 2030.
Ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ thống kê và công nghệ thông tin, Tổng cục Thống kê cho biết, cần xây dựng và vận hành có hiệu quả hệ thống thông tin về năng lượng; đồng thời, hình thành một cơ sở dữ liệu thống kê hoàn chỉnh với các thông tin cụ thể làm cơ sở cho việc phân tích, đánh giá và đưa ra các chính sách phù hợp.
“Cần dành ưu tiên cho khối Nhà nước như khoản vay dài hạn hơn, kéo dài thời hạn ưu đãi, quy trình tiếp cận vốn được đơn giản hóa hơn…”, ông Nguyễn Hoài Nam, chuyên gia năng lượng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến khác cũng khuyến nghị rằng, cần sử dụng hiệu quả các đòn bẩy kinh tế như: thuế, đất đai, tín dụng để khuyến khích phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đồng thời, phát triển các nguồn lực hỗ trợ phát triển bền vững của các doanh nghiệp: đổi mới công nghệ, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo…/.