Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:45 GMT+7

Tin hoạt động

Hoạt động Khuyến công thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất tại địa phương

18/07/2017

Xác định đây là nội dung khá quan trọng để góp phần đưa hoạt động sản xuất công nghiệp -TTCN của tỉnh ngày càng hướng đến chiều sâu, nên những năm qua hoạt động khuyến công địa phương đã tập trung nhiều vào nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở Công nghiệp nông thôn (CNNT) của tỉnh ứng dụng các máy móc, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Chỉ tính riêng trong các năm 2016 và 2017, từ nguồn kinh phí khuyến công tỉnh đã hỗ trợ cho hơn 40 doanh nghiệp, cơ sở CNNT triển khai công tác ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến vào sản xuất với nguồn kinh phí khoảng 900 triệu đồng/năm (thu hút nguồn đầu tư đối ứng của các doanh nghiệp khoảng 7-10 tỷ đồng/năm). Qua đó, hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực từ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và cơ sở cá thể.

Trong lĩnh vực sản xuất gỗ rừng trồng, thay vì những năm trước đây, hoạt động này chỉ dừng lại ở cưa xẻ thông thường, đến nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đã sản xuất được các sản phẩm như ván ghép thanh, ván sàn, viên nén năng lượng với máy móc hiện đại đáp ứng được một số yêu cầu xuất khẩu. Đối với hoạt động sản xuất mộc mỹ nghệ, trước yêu cầu hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh, trong khi công lao động của các thợ giỏi ngày càng tăng cao nên việc ứng dụng công nghệ gia công tiên tiến CNC (Computer Numerical Control - điều khiển bằng máy tính) vào sản xuất hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển và định hướng phát triển ngành. Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 15 đơn vị đã áp dụng công nghệ này trong chế biến đồ gỗ mỹ nghệ, trong đó hoạt động khuyến công đã hỗ trợ cho 6 doanh nghiệp, cơ sở triển khai ứng dụng. Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ này đã làm thay đổi cơ bản hoạt động sản xuất của lĩnh vực chế biến đồ gỗ mỹ nghệ, giúp các doanh nghiệp duy trì và phát triển được nghề trong những gia đoạn biến động của thị trường nhờ năng suất lao động tăng lên nhiều lần (đánh giá sơ bộ một máy CNC loại 6 mũi có thể thay thế cho 10-15 lao động), cũng từ đó mở ra những hướng mới cho doanh nghiệp như sản xuất hàng loạt hay cung cấp chi tiết đã gia công cho các đơn vị khác trong nước.

Lĩnh vực gia công chế tạo cơ khí tuy có nhiều khó khăn nhưng cũng đạt được một số kết quả đáng kích lệ, một số cơ sở cơ khí trên địa bàn đã sản xuất, chế tạo được một số máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, chế biến thực phẩm như: máy tách hạt ngô, máy cắt rau củ quả, máy xay bột, máy sản xuất bún - bánh, quạt tạo oxy cho hồ tôm… một số cơ sở này cũng nhận được sự hỗ trợ từ hoạt động khuyến công tỉnh nhà.
Lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản phát triển khá mạnh mẽ thời gian qua, với việc ứng dụng máy móc công nghệ mới đã  góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, hàng hóa được sản xuất nhiều hơn về số lượng và chủng loại, chất lượng cũng được nâng cao; các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu địa phương ngày càng được nâng tầm và chất lượng như gạo đánh bóng, hồ tiêu, cao su, nước mắm biển, cao dược liệu, tinh dầu thiên nhiên, tinh bột nghệ, cà phê Khe Sanh….

Có thể kể đến một số dây chuyền tiên tiến trong lĩnh vực này như: dây chuyền đánh bóng gạo ở thị xã Quảng Trị, chế biến cà phê của Công ty TNHH Đại Lộc Khe Sanh với công nghệ chế biến ướt và tách màu tự động, hệ thống chưng cất tinh dầu theo công nghệ hơi nước lôi cuốn, hệ thống chưng cất cao dược liệu tại làng nghề Định Sơn… Trong khi đó, các làng nghề TTCN của địa phương đều được cơ giới hóa và tổ chức sản xuất lại theo hướng hợp lý hơn, đơn cử như nghề sản xuất bún bánh, cho đến nay hầu như địa phương nào cũng có các dây chuyền sản xuất, các cơ sở thủ công không còn nữa mà chuyển thành các đầu mối (chủ máy) nhận gia công cho các hộ trong thôn, quá trình góp phần tăng hiệu quả kinh tế, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và chủ động phát triển các sản phẩm tương tự như bánh đa, phở khô, miến khô.

Bên cạnh đó, với công nghệ, thiết bị mới đã giúp cho các doanh nghiệp của tỉnh làm chủ hoạt động sản xuất và tạo ra các sản phẩm mới như: gạch không nung, thuyền composite, tàu vỏ thép, viên nén năng lượng…
Tuy nhiên, hoạt động ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Với nhiều năm gắn bó với công tác vận động, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ thiết bị vào sản xuất chúng tôi nhận thấy trở lực lớn nhất cho hoạt động này chính bởi bản thân các doanh nghiệp chúng ta còn hạn chế về năng lực, đặc biệt là năng lực tài chính. Trên 95% doanh nghiệp của tỉnh thuộc diện doanh nghiệp vừa và nhỏ (thậm chí trong đó có rất nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ) nên hạn chế về năng lực tài chính, chiến lược, điều hành là điều hiển nhiên. Trong khi nguồn lực hỗ trợ từ phía nhà nước cũng chừng mực, không thể đáp ứng hết nhu cầu của doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, tuy nguồn vốn dành cho các hoạt động khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế (bình quân tỉnh bố trí hơn 1 tỷ đồng/năm cho các hoạt động hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp) nhưng đã thực hiện nhiều nội dung quan trọng và đạt được nhiều mục tiêu trong khuyến khích phát triển CNNT nói riêng và công nghiệp tỉnh nhà nói chung. Mặc dù mức hỗ trợ kinh phí chưa hấp dẫn với doanh nghiệp nhưng cũng đã tạo ra sự đồng thuận từ phía cơ sở, tháo gỡ một phần khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư phát triển sản xuất và mang lại một số hiệu quả kinh tế - xã hội nhất định./.